Hóa giải những thách thức, giúp doanh nghiệp rộng cửa vào thị trường 'khó tính'

Để gia tăng giá trị, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, thị trường đòi hỏi ngành công nghiệp chế biến-chế tạo Việt Nam tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong từng quy trình sản xuất.

Công nghiệp chế biến-chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

Để gia tăng giá trị, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, thị trường đòi hỏi ngành công nghiệp chế biến-chế tạo Việt Nam tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong từng quy trình sản xuất, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông minh để giảm lãng phí nguyên liệu.

Thách thức khi đáp ứng đơn hàng lớn

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2024 đến nay, sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương đóng vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội thị trường mới trong thời gian tới.

Đơn cử lĩnh vực da giày, sự hồi phục của thị trường đã giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị xuất khẩu. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (lefaso) cho biết từ cuối năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đã có tín hiệu tích cực, các đơn hàng phục hồi trở lại.

Tính đến hết 9 tháng năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này thu về khoảng 19,4 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng giày dép đạt 16,3 tỷ, túi xách đạt hơn 3 tỷ USD. Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu toàn ngành có thể đạt từ 26-27 tỷ USD.

Điểm nhấn là các thị trường chính như: Mỹ, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Nhật Bản tiếp tục có tăng trưởng tốt, hiện doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch xuất khẩu sang các thị trường khác, nhất là các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như thị trường Trung Đông.

Đóng góp vào thành công này, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần rất tốt vào thành tích xuất khẩu của ngành, trong đó vai trò rất lớn của các thương vụ trong việc kết nối doanh nghiệp, thị trường, cập nhật các thông tin và đưa thông tin về các lợi thế của ngành da giày tới các khách hàng.

Tuy nhiên, bà Xuân cũng nêu một số khó khăn, thách thức khi nhiều nước nhập khẩu đưa ra những quy định khắt khe, tạo rào cản cho xuất khẩu da giày của Việt Nam.

Doanh nghiệp da giày đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cụ thể là yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu ngày càng trở nên chặt chẽ ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ; hay ngành da giày đang phải đối diện với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường tăng trưởng xuất khẩu đột biến như ở Mexico hay như tại thị trường Ấn Độ, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giầy chứng nhận mới có thể được xuất nhập khẩu vào thị trường này.

Vì vậy, theo đại diện Lefaso, việc giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ tham gia các thị trường nước ngoài thông qua xúc tiến thương mại sẽ giúp họ thu hút các khách hàng, dẫn dắt được các thương hiệu khác đến với Việt Nam, đồng thời các thông tin của ngành hàng đó cũng đến được trực tiếp với đối tác.

Còn theo ông Cao Văn Hùng, Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế công ty cổ phần Cơ khí chính xác Smart Việt Nam, trong năm 2023, với xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ đơn hàng từ các quốc gia đến từ Mỹ, Anh, Australia, doanh nghiệp cũng đón được xu hướng chuyển dịch đó. Thể hiện qua doanh số bán hàng của công ty tăng 178% trong 9 tháng năm 2024 và dự kiến cả năm có thể tăng lên con số 230%-250%.

Mặc dù đơn hàng đổ vào Việt Nam khả quan trong thời gian qua, song để “đón sóng” từ cơ hội này thì không phải là dễ, bởi ngay như công ty Smart Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là sự kết nối với các doanh nghiệp khác để có thể cùng sản xuất các đơn hàng lớn, cũng như tìm được những đơn vị có cùng tư duy xuất khẩu, cùng làm các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn thế giới.

“Có thể nhiều đơn vị rất muốn liên kết nhưng năng lực hiện tại chưa có đủ và là khó khăn để doanh nghiệp kết hợp cùng. Rõ ràng mình có cơ hội nhưng bị trượt đi cơ hội đó, bởi tiêu chuẩn chất lượng chung chưa đáp ứng được,” vị doanh nghiệp này chia sẻ.

Nâng cao "nội lực" cho doanh nghiệp

Ở Việt Nam, phát triển công nghiệp là nội dung quan trọng, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Riêng công nghiệp chế tạo là tổ hợp với nhiều phân ngành nhỏ, bao gồm: hóa chất, cao su nhựa, dệt may-da giày… bao quát toàn bộ nền kinh tế, do vậy, nếu xét về tỷ trọng GDP thì nhóm ngành này chiếm khoảng 32% (khu vực công nghiệp) còn 16,5%-17% đối với ngành chế biến, chế tạo và mục tiêu đến 2025 đạt được tới 25% (1/4 nền kinh tế).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, công nghiệp chế biến chế tạo không chỉ là "cốt vật chất" của một quốc gia mà còn tác động lan tỏa cũng như có sức thu hút mạnh mẽ các dòng đầu tư (kể cả đầu tư công, đầu tư trong nước và nước ngoài).

Dẫn chứng thêm, theo ông, thời gian qua, khối đầu tư nước ngoài đã tạo ra những tác động và “cú hích” cực mạnh cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu - luôn luôn xuất siêu và thu hút FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm 80%-90%.

Hơn nữa, lĩnh vực này cũng chiếm 75-80% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp, cho thấy vai trò cực lớn của công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc tạo ra công ăn việc làm, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế… cũng như tạo ra năng lực để đối phó với các thách thức, khi các phân ngành này có những lĩnh vực nằm top 3, top 4 thế giới (dệt may, da giày, chế biến gỗ).

Thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được xu hướng, có nhiều tập đoàn tư nhân lớn và nhiều doanh nghiệp đã đi vào lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thông minh, nắm bắt được làn sóng của cách mạng 4.0 và chuỗi cung ứng thế giới… đồng thời tạo ra sức hấp dẫn mới để Việt Nam định vị và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh tái cơ cấu hiện nay của kinh tế thế giới.

Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, Kinh tế tuần hoàn để xuất khẩu bền vững. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam đang có 2 cơ hội lớn, đó là cơ hội tái cấu trúc các khu vực công nghiệp và tái cấu trúc gắn với cách mạng 4.0 bùng nổ, khi công nghiệp chế biến, chế tạo nắm bắt được sẽ tạo ra hệ mới trong nền tảng sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ thông tin và sản xuất chip, sản xuất có giá trị gia tăng cao.

"Doanh nghiệp nội mới dừng ở công đoạn thấp, gia công là chính, phụ thuộc vào nước ngoài là nhiều. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể giúp họ tham gia những vị trí cao hơn trong chuỗi, làm giá trị gia tăng cao hơn nữa,” ông Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.

Còn theo ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc thiếu liên kết là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bởi điều này sẽ làm giảm khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm khả năng sản xuất cũng như giảm chia sẻ nguồn lực, công nghệ.

Theo ông, rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đủ tiềm lực để tự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hay đổi mới công nghệ, vì vậy việc thiếu liên kết cũng dẫn tới các doanh nghiệp mất đi cơ hội tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

“Thiếu liên kết cũng dẫn tới việc không đồng nhất trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, điều này khiến họ khó có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng từ nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này cũng vô tình gây ra việc mất niềm tin với các đối tác quốc tế, do đó khiến họ phải đi nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ nước ngoài, từ đó giảm tính chủ động và tăng chi phí sản xuất," ông Cường nêu thực tế.

Để các sản phẩm công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng rộng cửa tiếp cận các thị trường khó tính, ông Chu Việt Cường cho hay, thời gian qua Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, là thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho các kỹ thuật viên trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của chuỗi cung ứng của thị trường. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức hội chợ công nghiệp quốc tế, giúp các doanh nghiệp tham gia kết nối chuỗi cung ứng quốc tế, như kết nối doanh nghiệp tham gia vào triển lãm quốc tế tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cũng theo ông Cường, thời gian qua nhiều địa phương đã phát triển mạnh mẽ các cụm liên kết ngành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công nghệ với nhau.

Về phía Nhà nước đã hỗ trợ, ưu đãi thuế, thành lập trung tâm kiểm định chất lượng, giúp doanh nghiệp có thể kiểm định sản phẩm ngay trong nước thay vì phải đưa ra nước ngoài kiểm định từ đó giảm chi phí, đồng thời cơ quan chức năng cũng mở các lớp đào tạo, quản lý giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Sản xuất Xanh là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại diện Cục Công nghiệp cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, áp dụng công nghệ thông minh để giảm lãng phí nguyên liệu, đồng thời nâng cao sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường mới.

"Thời gian tới Trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sản xuất thử nghiệm, hoạt động đo kiểm nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư máy móc cho quá trình thử nghiệm các sản phẩm mới; tiếp tục tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thông minh nhằm nâng cao quy trình sản xuất; tổ chức các hội chợ nhằm tìm kiếm và kết nối các nhà cung ứng,” ông Chu Việt Cường cho hay./.