Hòa Bình cần phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Hòa Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát triển, khai thác tối đa nội lực với ngoại lực của vùng, của cả nước và quốc tế.
Ngày 23/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 179/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.
Theo Thông báo, năm 2023, tỉnh Hòa Bình đạt và vượt kế hoạch 15/19 chỉ tiêu; xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD; khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách. An sinh và phúc lợi xã hội được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,09%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 62% tổng số xã. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%; năng suất lao động tăng (đạt 120,59 triệu đồng/lao động).
Quý 1 năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng tích cực. Các lĩnh vực quan trọng đều đạt mức tăng trưởng cao, nông nghiệp tăng 4,56%, công nghiệp tăng 6,88%, dịch vụ tăng 5,06%, xuất khẩu tăng 32,05%, khách du lịch đạt 1,6 triệu lượt người. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công quý 1 đạt 14%, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức; mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ chế, chính sách phát triển còn hạn hẹp. Tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; năng lực cạnh tranh chưa cao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số dự án đầu tư chậm tiến độ.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.
Chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh," cụ thể: "Một trọng tâm" là phát huy tính tự lực, tự cường để huy động mọi nguồn lực và khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...).
"Hai tăng cường" gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, xã hội (nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ môi trường); tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng,...
"Ba đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện (giao thông, điện, viễn thông, y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp-dịch vụ phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Hòa Bình luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát triển, khai thác tối đa nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa) với ngoại lực của vùng, của cả nước và quốc tế. Kết hợp hài hòa, hợp lý giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Đồng thời, phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc dân tộc…; nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tối đa vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực trong xã hội; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh; dành nguồn lực cho phát triển con người, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch phát triển trong tỉnh. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Về tách đoạn 2 của dự án đường liên kết vùng (đoạn Km0 - Km19 của đường cao tốc CT03) thành dự án riêng, với quy mô đầu tư 4 làn xe và phương án đầu tư dự án đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, đoạn Km0-Km19: Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình xem xét, đánh giá tổng thể, toàn diện; xác định rõ thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với từng nội dung theo kiến nghị của tỉnh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền trong quý 2 năm 2024.
Về điều chỉnh điểm kết nối với quốc lộ 6 của tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đến quốc lộ 6 tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật trong quá trình nghiên cứu lập dự án đầu tư theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa (Thông báo 504/TB-VPCP ngày 5/12/2023 của Văn phòng Chính phủ); bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Về cơ chế, chính sách đối với Công ty Thủy điện Hòa Bình: Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tổng thể, đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý 3 năm 2024./.