Hỗ trợ sách cho học sinh sau bão: Để không gián đoạn hành trình đi tìm con chữ
Tính đến hết ngày 22/10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ủng hộ hơn 3.000 bộ sách giáo khoa và gần 800 triệu đồng cho học sinh, giáo viên và người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục. Rất nhiều người dân đã thiệt mạng và mất tích, trong đó có giáo viên và học sinh.
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 14/9, có 52 học sinh, trẻ em tử vong, 3 học sinh mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích do bão số 3.
Không chỉ vậy, nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.
Để hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng bão lũ vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tiếp tục công việc giảng dạy, học tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ủng hộ nhiều bộ sách giáo khoa và tiền mặt giúp thầy và trò vùng bão lũ vượt khó.
Những hoạt động hỗ trợ thiết thực
Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3. Nhiều trường học bị ngập lụt và cô lập khiến hoạt động giảng dạy và học tập của các trường bị gián đoạn. Các trang thiết bị, đồ dùng học tập và tài sản của nhà trường bị cuốn trôi hoặc hư hỏng nghiêm trọng.
Hai trong số các trường ở Lào Cai bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt là Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Bản Cái, huyện Bắc Hà.
Thấu hiểu những khó khăn mà thầy cô và học sinh hai trường học này gặp phải sau bão lũ, đoàn công tác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh nơi đây.
Trong chuyến tới thăm và làm việc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ cho mỗi trường 25 suất quà, mỗi suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt, cho các em học sinh có gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão số 3. Đây là số tiền trích trong số tiền quyên góp của các cán bộ công nhân viên trong toàn hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho học sinh, đồng bào vùng bị lũ lụt.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn tặng sách giáo khoa cho hai trường, tổng số sách tặng là hơn 1.500 cuốn, trị giá khoảng 25 triệu đồng.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mong rằng những món quà này sẽ hỗ trợ cho các em học sinh của hai trường vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống và tiếp tục công việc học tập.
Trước đó, sáng 10/10, đoàn công tác Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đến thăm và tặng quà cho các em học sinh Trường Tiểu học Cốc Lỳ, huyện Bảo Lâm và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng và trao tặng 50 triệu đồng tiền mặt cùng hơn 1.500 cuốn sách cho hai trường.
Tính đến hết ngày 22/10/2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ủng hộ hơn 3.000 bộ sách giáo khoa và gần 800 triệu đồng tiền mặt cho các em học sinh, giáo viên và người dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đến thăm và làm việc với các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Dồn toàn lực thực hiện nhiệm vụ cung ứng sách giáo khoa cho học sinh vùng bão lũ
Ngay khi cơn bão vừa qua đi, ngành giáo dục đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ổn định lại hoạt động dạy và học tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 (bão Yagi) và mưa lũ sau bão, để chủ động khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở chủ động rà soát, thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhà trường và học sinh do bão, lũ gây ra để có phương án khắc phục và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Các sở giáo dục và đào tạo kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập; thực hiện các giải pháp để việc dạy học ở các nhà trường an toàn, hiệu quả.
Đối với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ưu tiên cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp; không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa.
Các đơn vị xuất bản phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo chủ động hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho học sinh các gia đình chính sách, học sinh bị thiệt hại nặng nề do mưa, bão để sớm ổn định học tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ sách giáo khoa cho học sinh.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16/9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học do bão số 3 ước tính hơn 1.200 tỷ đồng; hơn 41.500 bộ sách giáo khoa bị hư hỏng.
Nắm bắt được việc nhiều địa phương cần cung ứng bổ sung sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức in 10 triệu bản sách giáo khoa bổ sung. Cộng với số lượng sách còn trong kho vào thời điểm đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung ứng cho vùng lũ khoảng 18 triệu bản sách giáo khoa và có kế hoạch tổ chức in thêm nếu còn thiếu.
Chi phí in gia công theo đơn giá bình quân cho 10 triệu bản sách ước khoảng dưới 30 tỷ đồng. Toàn bộ số sách giáo khoa in bổ sung cung cấp cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ được triển khai với tinh thần phục vụ.
Bên cạnh đó, đối với số lượng sách giáo khoa được tổ chức in bổ sung để cung ứng cho vùng lũ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện áp dụng giảm 10% giá bìa (tương đương khoảng 50% chi phí phát hành).
Các hoạt động thiết thực này đã thể hiện tinh thần "tất cả vì sự nghiệp giáo dục" và luôn sẵn sàng đồng hành với giáo dục vùng khó của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam./.