Him Lam - Từ cứ điểm xưa đến đô thị văn minh, hiện đại

Giờ đây sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, “cánh cửa thép” Him Lam đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Điện Biên Phủ.

Một góc phường Him Lam ngày nay. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Sau 70 năm, cứ điểm Him Lam ngày nào đã trở thành cửa ngõ quan trọng của thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), với diện mạo mới khang trang, những con đường lớn mở rộng, đón chào du khách thập phương.

Đúng 8 giờ ngày 13/3/1954, những viên đạn sơn pháo của bộ đội ta bắn vào Sân bay Mường Thanh làm hai chiếc máy bay Dakota của quân Pháp vừa hạ cánh xuống đây bị bốc cháy.

Đến 17 giờ 5 phút cùng ngày, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75-120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 kết thúc.

Kết quả, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Những đường hào trên Cứ điểm Him Lam. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

“Cánh cửa thép Him Lam” bị hất đổ đã mở đường cho quân ta tiến vào đánh chiếm các cứ điểm khác, giải phóng đất Mường Thanh.

Cựu chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp, nguyên khẩu đội trưởng cối 82 ly, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 - đơn vị nhận mệnh lệnh khai hỏa mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhớ về trận đánh ấy, ông chia sẻ: Cụm cứ điểm Him Lam được Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 canh giữ. Đây là một trong những đơn vị thiện chiến, nổi tiếng của đội quân Lê dương Pháp, được mệnh danh là “bất khả chiến bại” từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và được Pháp điều động một tiểu đoàn lên Điện Biên Phủ.

Quân số của cụm cứ điểm này lên tới 750 người. Quân Pháp xây pháo đài trên 3 quả đồi tạo thành thế chân kiềng vô cùng vững chắc và dễ chi viện cho nhau.

Tự tin vào Him Lam - cánh cửa thép “bất khả xâm phạm,” thực dân Pháp vô cùng kiêu căng và thường xuyên rải truyền đơn, phát loa thách thức rằng tập đoàn Điện Biên Phủ là "cối xay thịt," nếu đánh vào sẽ không có đường trở về với gia đình, quê hương...

Nhưng với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đánh đuổi thực dân xâm lược, cùng tài năng chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam, trận đánh mở màn thành công ngoài sự mong đợi, mở đường chiến thắng cho toàn mặt trận.

“Nếu trận đầu ta không quyết thắng, có lẽ sẽ nhụt chí cả mặt trận. Pháp cũng quyết thắng để lấy tinh thần. Thế nên khi họp, quân ta ai cũng viết quyết tâm thư, quyết phải thắng bằng được, có đồng chí còn viết quyết tâm thư bằng máu, khẩu hiệu cài lên mũ “Quyết đánh và Quyết thắng,” cựu chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp kể lại.

Trung tâm hành chính thành phố Điện Biên Phủ nằm trên phường Him Lam. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Sau 70 năm nổ phát súng đầu tiên ấy, giờ đây, khu vực cứ điểm Him Lam xưa đã và đang từng bước đổi thay, trở thành mảnh đất thanh bình, tươi đẹp, đầy sức sống, được coi là một trong những phường cửa ngõ trọng điểm về phát triển đô thị, kinh tế của thành phố Ðiện Biên Phủ.

Him Lam giờ đây đã vươn mình trở thành một trong những phường trung tâm, có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất thành phố và đang phấn đấu trở thành một trong những khu đô thị văn minh, hiện đại nhất tỉnh Điện Biên.

Ngày nay, mỗi người dân sinh sống trên mảnh đất Him Lam nói riêng, thành phố Điện Biên Phủ nói chung, đều luôn khắc sâu công lao của thế hệ cha ông đi trước, đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Do đó, nhân dân các dân tộc phường Him Lam đang không ngừng đoàn kết, đồng lòng phấn đấu, nỗ lực xây dựng bản, làng trở thành những bản văn hóa du lịch chất lượng cao để kết nối vào chuỗi các sản phẩm du lịch lịch sử của địa phương, góp phần đưa Him Lam ngày càng phát triển hơn nữa.

Ông Lò Văn Chựa, Trưởng bản Him Lam 2, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, xúc động chia sẻ: “Cha ông ta đánh đuổi giặc Pháp để giành lại những tấc đất, tấc vàng, để lại cho con cháu thế hệ sau hưởng thụ hòa bình trên mảnh đất Điện Biên, mảnh đất Him Lam. Do đó, con cháu đời sau luôn quyết tâm xây dựng mảnh đất Điện Biên Phủ càng ngày càng phát triển, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân từng ngày…”

Giờ đây, “cánh cửa thép” Him Lam đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Điện Biên Phủ.

Cầu treo kiên cố được xây dựng giúp người dân bản Him Lam II thuận tiện đi lại. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Những công trình mới to đẹp không ngừng mọc lên, đường phố mở rộng thênh thang như chào đón du khách thập phương đến với Điện Biên anh hùng trong dịp Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Lễ hội Hoa Ban, đặc biệt là đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới.

Ông Phạm Hải Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Him Lam, cho biết những năm gần đây, nhờ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đời sống người dân Him Lam ngày càng được nâng lên.

Địa phương luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, thành phố và có sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, từ đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Hạ tầng được nâng cấp đầu tư về điện, đường, trường, trạm; nhiều khu dân cư mới được mở ra. Hoạt động thương mại của các hộ kinh doanh cá thể được mở rộng, số hộ khá, giàu chiếm hơn 70%, đặc biệt là phường không còn hộ nghèo.

Ngày nay, với vị trí là của ngõ trọng yếu của thành phố, Him Lam đang từng ngày “thay da đổi thịt,” góp phần đưa thành phố Điện Biên Phủ “cất cánh”./.