Hiệp ước Marrakesh giải "cơn khát" về sách cho người khiếm thị
Việc triển khai Hiệp ước Marakesh tại Việt Nam sẽ tăng cường khả năng tiếp cận ấn phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in thông qua việc sử dụng các ngoại lệ về bản quyền.
Ngày 12/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh do Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Dẫn báo cáo của Hiệp hội Người mù thế giới, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết gần 1% sách đã xuất bản ở các nước đang phát triển chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in gồm người khiếm thị, người khuyết tật về nhận thức, người khó khăn trong việc đọc…
Tại Việt Nam, tình trạng thiếu sách đang là rào cản với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị - nhóm yếu thế với hơn 1 triệu người, trong việc tiếp cận về giáo dục, việc làm và phát triển bản thân.
Từ thực tế đó, bà Đinh Việt Anh cho rằng việc triển khai Hiệp ước Marakesh tại Việt Nam sẽ tăng cường khả năng tiếp cận ấn phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in thông qua việc sử dụng các ngoại lệ về bản quyền. Hiệp ước Marakesh đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các rào cản đối với người khuyết tật - những người không có khả năng đọc chữ in, từ đó giúp họ tăng khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng và nâng cao cơ hội giáo dục, việc làm.
Nêu các khó khăn khi làm sách giáo khoa cho người khuyết tật nhìn, bà Trần Thị Thư, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia cho biết sách in chữ phóng to làm thủ công, chất lượng không đảm bảo. Sách chữ nổi Braille có giá thành cao, chưa có ngân sách để chuyển và nhân bản sách, chưa có chiến lược điều phối, sử dụng hiệu quả.
[Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh bảo vệ lợi ích người khiếm thị]
Còn sách nói và sách điện tử hiện nay vẫn tự phát, không quy chuẩn. Do đó, cần huy động nguồn kinh phí chuyển đổi sách giáo khoa chữ in sang sách giáo khoa chữ nổi; nguồn kinh phí nhân bản để đáp ứng nhu cầu của học sinh cần sử dụng sách giáo khoa chữ nổi; đồng thời, xây dựng cơ chế bảo quản và luân chuyển sách nhằm tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa sách chữ nổi.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh, việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh và các đơn vị trong nước cùng nhau hợp tác thực hiện sẽ giúp ích nhiều cho cộng đồng người khuyết tật trong tiếp cận tác phẩm với nguồn đa dạng, phong phú hơn. Trong đó, việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ ký hiệu... ngày càng trở nên cần thiết, quan trọng ở Việt Nam, nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Về kế hoạch thực hiện Hiệp ước trong thời gian tới, theo bà Phạm Thị Kim Oanh, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của Hiệp ước Marrakesh, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và chuẩn bị cơ sở vật chất cùng các điều kiện cần thiết cho việc chuyển định dạng, trao đổi, xuất nhập khẩu bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận.
Hiệp ước Marrakesh được thông qua vào tháng 6/2013, có 93 quốc gia thành viên, chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6/3/2023. Đây là hiệp ước quốc tế nhằm tạo ra môi trường pháp lý với mục đích cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật - những người không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, tạo sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và lợi ích chung.
Nội dung chính của Hiệp ước Marrakesh là tạo ra và phân phối các bản sao dễ tiếp cận (thể hiện bằng phương thức hay định dạng phù hợp với người khuyết tật); truyền đạt, biểu diễn tác phẩm trước công chúng; xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận, các trường hợp ngoại lệ liên quan đến các biện pháp công nghệ mà không cần phải xin phép chủ thể bản quyền./.