Hiệp đồng "gác cổng" quốc gia

Lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, các đường dây, băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế câu kết với đối tượng trong nước để gửi hàng hóa có ngụy trang, cất giấu ma túy từ nước ngoài về Việt Nam.

Lượng ma túy cần sa, tiền mặt và công cụ vận chuyển ma túy bị thu giữ. (Ảnh: TTXVN phát)

Bài 2 của chùm bài: "Giải pháp mạnh ngăn chặn ma túy xâm nhập vào Việt Nam" sẽ phân tích rõ con đường đưa ma túy từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ trong nước hoặc đưa đi nước thứ ba.

Bài 2: Hiệp đồng "gác cổng" quốc gia

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách thuận lợi trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh theo tập quán quốc tế.

Nhưng các đường dây, băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế lại lợi dụng các quy định này, câu kết với các đối tượng trong nước để gửi hàng hóa có ngụy trang, cất giấu ma túy từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ trong nước hoặc đưa đi nước thứ ba.

Lợi dụng chính sách thông thoáng

Nội Bài là Cảng Hàng không Quốc tế lớn nhất của miền Bắc, cửa ngõ giao thương của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với các quốc gia trên thế giới.

Từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 5 này, đã có 27.400 chuyến bay quốc tế đi, đến Nội Bài với gần 5 triệu lượt khách xuất, nhập cảnh và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 4,2 tỷ USD.

Lưu lượng chuyến bay quốc tế và hàng hoá xuất nhập khẩu qua Nội Bài ngày càng tăng, trong khi đó nhiệm vụ của cơ quan Hải quan là phải thông quan nhanh lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan.

Ma túy được ngụy trang giấu trong các kiện hàng, thùng catton gửi từ Cộng hòa Liên bang Đức về Việt Nam, bị lực lượng chức năng bắt giữ hồi đầu năm nay. (Ảnh: TTXVN phát)

Tội phạm ma tuý đã lợi dụng điều này để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào nội địa rồi trung chuyển đi các tỉnh, thành phố hoặc các quốc gia khác.

Vào cuối tháng 2/2024, Công an Hải Phòng phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội, Công an Hà Nội đã phát hiện, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ châu Âu về Việt Nam bằng đường hàng không, thu giữ 45.000 viên ma túy.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hàng loạt đường dây “khủng” bị lực lượng chức năng phát hiện, bóc gỡ những năm gần đây ở Nội Bài.

Từ năm 2022 đến tháng 4/2024, Chi cục đã phát hiện, bắt giữ 68 vụ, 44 đối tượng với tang vật thu giữ hơn 905kg ma tuý các loại.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) Phùng Quang Minh, tình hình vận chuyển trái phép chất ma tuý qua tuyến hàng không ở Nội Bài diễn biến rất phức tạp, có dấu hiệu gia tăng.

Trước đây, ma túy được cất giấu, ngụy trang trong thực phẩm chức năng, rượu, mỹ phẩm… thì nay, phần lớn ma tuý được cất giấu trong máy móc, thiết bị nhằm trốn tránh sự soi chiếu của cơ quan Hải quan.

Đáng lo ngại hơn, tội phạm còn triệt để lợi dụng thành tựu của khoa học công nghệ để thực hiện các hành vi phạm tội. “Gần đây các chuyên gia quốc tế có cảnh báo hình thức trao đổi thông tin giữa tội phạm. Các đối tượng sử dụng máy chơi game để trao đổi thông tin với nhau thông qua phương thức mã hóa của loại thiết bị này và truyền thông tin qua internet,” ông Phùng Quang Minh lo ngại nói.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) Lê Trí Dũng cũng cho biết đặc thù hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính có số lượng gói, kiện rất lớn, hàng hóa đi và đến từ nhiều nước khác nhau.

Các đối tượng đã lợi dụng thủ tục đơn giản, thuận tiện theo quy định của Công ước Bưu chính thế giới và việc tạo thuận lợi trong việc gửi hàng quà biếu, quà tặng của các cá nhân ở nước ngoài gửi cho các cá nhân ở Việt Nam và ngược lại, để cất giấu, ngụy trang hàng hóa vi phạm, trong đó có ma tuý.

“Công ước Bưu chính thế giới quy định các nước thành viên và nhà khai thác được chỉ định không phải chịu trách nhiệm đối với khai báo hải quan dưới mọi hình thức. Do đó rất khó gắn trách nhiệm của các công ty bưu chính, chuyển phát nhanh quốc tế khi phát hiện ma túy, tiền chất từ nước ngoài vào Việt Nam,” ông Lê Trí Dũng nói.

Theo ông Lê Trí Dũng, từ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với kiện hàng bưu phẩm, bưu kiện từ nước ngoài về, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng phát hiện nhiều vụ việc ma túy lớn.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục đã phát hiện và phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an thành phố Hà Nội và công an các tỉnh, Đội Kiểm soát ma túy Cục Hải quan Hà Nội phát hiện 4 vụ việc, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ được hơn 3.152gr methamphetamine; hơn 1.935gr ketamin; 7.000gr cần sa. Ngoài ra, còn nhiều vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Không để ma túy thẩm lậu vào nội địa

Trước diễn biến phức tạp về tội phạm ma túy trên tuyến hàng không, đại tá Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04, Công an thành phố Hà Nội) cho biết trước đây các đối tượng lợi dụng hình thức vận chuyển hàng hóa chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam để trà trộn ma túy vào hàng hóa thì hiện nay, các đối tượng thành lập công ty chuyển phát quốc tế ở nước ngoài, chủ yếu tại một số quốc gia ở châu Âu, còn công ty con ở Việt Nam với mạng lưới rộng khắp các tỉnh, thành phố.

Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa bắt đối tượng vận chuyển hơn 21kg ma túy qua biên giới. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ đó, các đối tượng đưa ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam bằng hình thức chuyển phát quốc tế và qua đường hàng không.Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cũng cho hay lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; hoạt động kinh doanh, giao thương khu vực biên giới giữa Việt Nam và các nước; lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục Hải quan (luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng), các đối tượng thuê các công ty logistics làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không.

Phân tích của Cục C04 cho thấy trên tuyến hàng không, châu Âu là nơi cung cấp ma túy tổng hợp lớn ra thị trường bất hợp pháp trên thế giới và Việt Nam. Một số quốc gia trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn có độ tinh khiết cao.

Đặc điểm nổi bật của tội phạm về ma tuý vận chuyển qua tuyến đường hàng không là đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, móc nối, hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ giữa đối tượng trong nước và nước ngoài để mua bán, vận chuyển ma tuý vào Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh, số vụ, đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ đang ngày càng tăng, vụ sau lớn hơn vụ trước với những diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, khó lường; xuất hiện nhiều loại ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý.

Ma túy được cất giấu, pha trộn trong hàng hóa, các loại thực phẩm, đồ uống… được mua bán, vận chuyển trái phép với số lượng ngày càng lớn về Việt Nam tiêu thụ, hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba.

Trên tuyến hàng không và chuyển phát nhanh, các vi phạm được phát hiện tập trung chủ yếu qua các cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng).

Nhấn mạnh “chặt vòi bạch tuộc” từ nước ngoài về Việt Nam chỉ thực sự thành công khi bắt giữ được tang vật ma túy và đối tượng, theo ông Nguyễn Hùng Anh, cần có sự hợp tác hiệp đồng tác chiến chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Riêng với Hải quan, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện, xuất nhập cảnh để kịp thời phát hiện hành vi lợi dụng trà trộn, cất giấu ma túy trong hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải.

"Các đơn vị đã được quán triệt, tăng cường sử dụng công cụ, trang thiết bị soi chiếu, đặc biệt là trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống ma túy," ông Nguyễn Hùng Anh cho biết./.

Bài 1: Nỗi lo “vòi bạch tuộc” ma túy xâm nhập học đường

Bài cuối: Phòng tuyến ba lớp