Hiệp định VIFTA: Xung lực mới thúc đẩy thương mại Việt Nam-Israel
Việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel đi vào hiệu lực sẽ mang lại những lợi ích và cơ hội to lớn đối với doanh nghiệp hai nước.
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Israel (gọi tắt là VIFTA), nhất là cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại sẽ là xung lực tích cực để thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3-4 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại “Diễn đàn kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Israel,” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức sáng 16/8, tại Hà Nội.
Mở rộng các cơ hội hợp tác
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.
[Việt Nam và Israel trở thành đối tác quan trọng hàng đầu]
Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Israel. Hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại các loại và linh kiện, thủy hải sản, hạt điều, cà phê, giầy dép, hạt tiêu, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ ... ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Israel gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) đi vào hiệu lực sẽ góp phần mang lại những lợi ích và cơ hội to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Cụ thể, về thương mại, hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau.
Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản... của Việt Nam hay là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả … của Israel.
Ngoài ra, về đầu tư, với thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, phía Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Israel sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: điện tử, hóa chất, năng lượng, công nghiệp... đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm…
“Những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai. Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Kinh tế và Công nghiệp, Đại sứ quán và các cơ quan chức năng của Israel để làm cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Tận dụng các cơ hội từ hiệp định VIFTA
Ngày 27/7/2023, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết, đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hiệp định VIFTA tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang không chỉ Israel mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. Ở chiều ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên.
Làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ông Nir Barkat-Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công Nghiệp Israel cho biết Chính phủ Israel luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Theo ông, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới, với quy mô GDP gần 410 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%.
Bộ trưởng Nir Barkat khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan trong nước để thúc đẩy giải quyết các vấn đề mà phía Việt Nam đã nêu.
“Phía Israel đang nỗ lực phối hợp với phía Việt Nam để sớm hoàn tất các thủ tục liên quan để Hiệp định VIFTA sớm đi vào triển khai,” Bộ trưởng Nir Barkat khẳng định./.