Hiệp định CEPA: Mở cơ hội xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào UAE

Hiệp định CEPA được thông qua sẽ giúp khai thác các tiềm năng, dư địa trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau.

Khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường đã đạt tới ngưỡng thì Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được đánh giá là thị trường hết sức tiềm năng, mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, nhất là khi việc khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) đã được ký ở cấp Bộ trưởng ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệp định CEPA được thông qua sẽ giúp khai thác các tiềm năng, dư địa trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau.

Dư địa rất lớn

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang UAE có thể kể đến như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị… tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ đạt 140 triệu USD thì đến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã đạt 3,85 tỷ USD. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE ước đạt trên 1,12 tỷ USD, tăng mạnh 22,14% so với cùng kỳ năm 2022.

[Đề xuất nhiều hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và UAE]

Theo ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE, với dân số chỉ khoảng 9,35 triệu người, quy mô GDP của UAE hiện nay vào khoảng 415 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 44.315 USD/người/năm - là một con số tương đối cao.

Hơn nữa, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% (khoảng 0,9% - và chủ yếu là chăn nuôi và trồng cây chà là) nên UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân.
Một số sản phẩm của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và tiếp tục có khả năng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm nay.

Cụ thể, nhóm thuỷ sản, theo số liệu thống kê năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang UAE tăng trên 18% so với năm 2021. Riêng mặt hàng cá tra đông lạnh, phi lê, Việt Nam đang đứng đầu thế giới xuất khẩu vào UAE, chiếm trên 50% thị phần.

Đặc biệt, trong nhóm hàng nông sản, rau quả, thanh long, dưa hấu, chanh không hạt, Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường UAE nói riêng, cũng như thị trường các nước Trung Đông và GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng vịnh) nói chung. Các mặt hàng này của Việt Nam đang được bày bán trong siêu thị của UAE với giá hợp lý.

Bên cạnh đó, hạt điều Việt Nam hiện cũng chiếm thị phần lớn nhất tại UAE, tới 81%, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 55 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021; hạt tiêu Việt Nam cũng chiếm tới 60% thị phần nhập khẩu của UAE, đạt kim ngạch 58 triệu USD.

Với mặt hàng gạo, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới sau Ấn Độ và Pakistan về xuất khẩu vào UAE, kim ngạch năm 2022 đạt 25 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,3%, đây cũng là nhóm hàng tiềm năng để xuất khẩu vào UAE trong thời gian tới.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ nông-thủy sản, ông Trung thông tin, một số mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu sang UAE. Trong đó, nhóm mặt hàng chế biến, chế tạo, Việt Nam có thể tăng cường mặt hàng túi xách, va li và ví; gỗ và sản phẩm từ gỗ; dệt may; giày dép.

“Trong nhóm hàng chế biến, chế biến chế tạo, dây cáp điện rất có tiềm năng bởi Dubai đang thúc đẩy đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng, làm tăng nhu cầu về điện và năng lượng trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dân cư. Sự phát triển của lưới điện thông minh và nâng cấp hệ thống truyền tải điện sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường dây cáp điện của UAE,” ông Trung cho hay.

Cửa ngõ tiến vào thị trường Trung Đông

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam thời gian qua đã giúp hoạt động thương mại quốc tế, trong đó nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu được vào các thị trường cho giá trị gia tăng lớn.

Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA), theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiệp định không chỉ giúp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang UAE, mà còn giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua “cửa ngõ UAE.”

Trong khi đó, bà Lê Hoàng Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, UAE thực sự là một thị trường đầy tiềm năng - với dự báo, hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng sẽ được thúc đẩy khi tiến trình thực thi hiệp định CEPA mở ra.

“Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA, đặc biệt là tập trung tổng kết kinh nghiệm các nước tận dụng các FTA để đưa ra kiến nghị cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam…,” bà Lê Hoàng Anh nói.

- Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE:

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Có thể thấy, với 17 hiệp định FTA được ký kết trong thời gian qua đã mở ra rất nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logicstics Việt Nam, thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu và logistics phát triển mạnh mẽ nhờ vào các hiệp định thương mại tự do với các nước tham gia hiệp định Việt Nam-châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Còn với UAE, một thị trường trọng điểm ở Trung Đông, là đầu mối cho các nước như châu Phi, châu Mỹ La Tinh và châu Âu, châu Á nói chung, nhờ có cơ sở hạ tầng cảng biển rất là tốt, cùng hàng không phát triển, sẽ rất dễ dàng kết nối được với các thị trường.

“Nhiều doanh nghiệp thông qua UAE để vào thị trường châu Phi. Cho nên đây là một thị trường tiềm năng, nếu chúng ta biết phát huy sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác rất tốt thời gian tới...,” ông Nguyễn Tương đánh giá.

Tuy vậy, theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại UAE, đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt cả về giá và chất lượng và đây cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Một thách thức nữa đó là các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp từ một số quốc gia mà họ đã ký FTA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ… do doanh nghiệp của các nước này đã được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE, nên có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.

Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang Hồi giáo… khi xuất khẩu vào thị trường này./.

Đức Duy (Vietnam+)