Hiến tặng giác mạc - cho đi là còn mãi

Những năm qua, chính quyền xã Hải Minh, Nam Định phối hợp cùng các giáo xứ, giáo họ thông qua họp hay hoạt động Thánh lễ tại nhà thờ tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến giác mạc.

Ông Phạm Xuân Phong, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hải Minh (Nam Định) xem danh sách những người đã hiến tặng giác mạc. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Những năm gần đây, phong trào hiến tặng giác mạc tại Nam Định phát triển mạnh, đông đảo người dân tự nguyện đăng ký hiến tặng.

Nhờ nguồn giác mạc vô cùng quý báu này, hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt đã tìm được ánh sáng, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Lan tỏa ý nguyện tốt đẹp

Là địa phương đi đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc của huyện ven biển Hải Hậu, những năm qua, chính quyền xã Hải Minh phối hợp cùng các giáo xứ, giáo họ thông qua buổi họp hay hoạt động Thánh lễ tại nhà thờ tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến tặng giác mạc với ý nguyện tốt đẹp "cho đi là còn mãi."

Ông Nguyễn Quang Chính, sinh năm 1967, xã Hải Minh cho biết, sau khi được chính quyền, đặc biệt là các linh mục tuyên truyền về nghĩa cử cao đẹp khi hiến bộ phận cơ thể mình cứu giúp người khác, ông tiên phong đăng ký hiến giác mạc từ năm 2018. Không chỉ bản thân, ông còn vận động người thân, họ hàng cùng đăng ký hiến giác mạc để giúp đỡ người khác.

Ông Nguyễn Quang Chính, xã Hải Minh (Nam Định) được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương dành cho người tình nguyện hiến tặng giác mạc. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Từ năm 2016 đến nay, Hội Chữ thập Đỏ xã Hải Minh cùng với Ban Bắc ái xã hội Giáo xứ Phạm Pháo vận động được trên 700 người tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó, có 102 người đã lấy giác mạc để giao cho Ngân hàng mắt giúp đỡ những người kém thị lực có cơ hội nhìn thấy ánh sáng.

Ông Phạm Xuân Phong, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã Hải Minh cho biết, quá trình vận động người dân tự nguyện hiến giác mạc gặp khó khăn, nhiều người bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ nên không sẵn sàng cho đi bộ phận cơ thể sau khi qua đời. Thậm chí có người đồng ý hiến tặng nhưng khi qua đời con cháu lại không đồng ý.

Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã Hải Minh, để thuyết phục được bà con hiến giác mạc, các thành viên trong Hội Chữ thập Đỏ phối hợp với những người có tiếng nói trong giáo xứ, giáo họ thường xuyên xuống từng gia đình tuyên truyền, vận động.

Sau khi người dân đồng ý hiến tặng, nếu trong cuộc sống gia đình đó gặp khó khăn, Ban Bắc ái xã hội của giáo xứ giúp đỡ bằng nhiều hình thức như tặng gạo, xe lăn, xe lắc, chăm sóc lúc đau ốm cuối đời, đọc sách cầu nguyện sinh hoạt trong giáo hội... Nhờ đó, phong trào hiến giác mạc được lan tỏa mạnh mẽ.

Không chỉ xã Hải Minh, phong trào hiến tặng mô, tạng, giác mạc những năm gần đây lan tỏa ra nhiều địa phương khác tại huyện Hải Hậu như, xã Hải Xuân, xã Hải Nam… Theo thống kê của Hội Chữ thập Đỏ huyện Hải Hậu, từ năm 2014 đến nay, trong huyện có trên 750 người đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, trong đó có 131 đã người hiến tặng giác mạc, góp phần mang lại ánh sáng cho nhiều người không may bị mắc bệnh lý về giác mạc.

Nhân rộng phong trào

Ông Nguyễn Huy Hiệu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ huyện Hải Hậu cho biết, dù số lượng người tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc tại địa phương trong những năm qua không ngừng tăng lên, nhưng hiện nay, việc nhân rộng phong trào còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân, cộng đồng và xã hội về hoạt động hiến giác mạc còn hạn chế, quan niệm “chết phải toàn thây” còn nặng nề. Đặc biệt, do kinh phí cho công tác vận động và thực hiện phong trào gần như không có dẫn đến số người tham gia hạn chế.

Gia đình ông Phạm Xuân Phong, xã Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định) có 3 người đã hiến tặng giác mạc. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Theo ước tính, tại Việt Nam hiện có trên 300.000 người bị mù do mắc các bệnh lý về giác mạc, mỗi năm, con số này lại tăng thêm. Hiện nay, phẫu thuật ghép giác mạc là cách tốt nhất giúp họ tìm lại ánh sáng, tuy nhiên, nguồn giác mạc lại rất khan hiếm. Do đó, hiến tặng giác mạc là việc làm ý nghĩa giúp nhiều người khác được nhìn thấy ánh sáng, hồi sinh cuộc sống mới.

Hưởng ứng chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi,” từ năm 2014 đến nay, tỉnh Nam Định có 320 người hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời giúp người khác tìm lại ánh sáng.

Để phong trào hiến giác mạc phát triển, các cấp Hội Chữ thập Đỏ trong tỉnh phối hợp Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức tuyên truyền, vận động hiến giác mạc; tri ân gia đình có người hiến tặng giác mạc khi qua đời để tôn vinh nghĩa cử cao đẹp về hiến giác mạc…

Ông Phạm Minh Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Nam Định cho hay, những năm qua, phong trào hiến tặng giác mạc ở địa phương, đặc biệt là các huyện ven biển phát triển mạnh, giúp đỡ nhiều người kém may mắn về thị giác có cơ hội tìm lại nguồn sáng.

Thời gian tới, các cấp Hội tăng cường vận động, tuyên truyền, phát huy uy tín, vai trò của các linh mục, chức sắc tôn giáo tác động đến nhận thức của bà con, giúp mọi người hiểu ý nghĩa của phong trào đối với xã hội để tiếp tục lan tỏa ngày càng sâu rộng./.