‘Hiến kế’ hiện thực hóa đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Để hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, các địa phương cần có chính sách, cơ chế linh hoạt để kịp thời giải quyết những bất cập hiện nay về quy hoạch, quỹ đất và nguồn vốn.
Nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là chủ trương rất đúng và nhân văn, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là cần sớm hoàn thiện thể chế chính sách, “mở van” dòng vốn và bố trí quỹ đất linh hoạt.
Trong số đó, các địa phương cần ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả ở đô thị để sớm hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho hàng triệu người thu nhập thấp.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Chia sẻ tại Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” diễn ra vào chiều 19/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay đề án này đã triển khai thực hiện được hơn nửa năm, nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về quá trình thực hiện vừa qua để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp.
Đến nay, pháp luật đã quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp; quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Nhờ đó, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị; đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 đã xác định.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, ông Nghị cho biết tính đến thời điểm 30/6/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.200 căn. Ngoài ra, 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn đã được cấp phép và đang triển khai xây dựng. 309 dự án với hơn 292.400 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Riêng nửa đầu năm 2023, cả nước khởi công 9 dự án, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 18.700 căn. Trong đó gồm 6 dự án nhà ở xã hội, 3 dự án nhà ở công nhân.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội,” đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1,06 triệu căn, trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428 nghìn căn.
“Nếu các dự án đã được cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025,” ông Nghị kỳ vọng.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành xây dựng cũng lưu ý việc triển khai đề án trên dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới.
Đơn cử như về nguồn vốn, hiện nay giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ vẫn còn chậm.
[59,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường bất động sản]
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy trên cả nước mới có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay vốn, nhu cầu hơn 25.800 tỷ đồng. Một số dự án đã được giải ngân số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Chỉ ra nguyên nhân khiến việc giải ngân chương trình 120.000 tỷ đồng còn chậm, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng thứ nhất là bởi nguồn cung hạn chế.
Hiện mới có 20/63 tỉnh thành công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà, có dự án mở bán nhiều lần không có người quan tâm. Trong khi đó, chương trình 120.000 tỷ đồng là chương trình dài hơi để giải ngân cần có khối lượng thực hiện, giải ngân theo tiến độ thi công của công trình, phải có hợp đồng mua bán...
Những việc cần làm ngay
Đưa ra giải pháp, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng để đề án trên “về đích” như kỳ vọng, việc quan trọng là cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
Theo ông Nghĩa, những thủ tục trên mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ và khiến cho quá trình đầu tư bị chậm. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý có chính sách, cơ chế linh hoạt để kịp thời giải quyết được những bất cập hiện nay, qua đó thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhanh hơn.
Chia sẻ từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho hay nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn trong thời gian tới là rất lớn; trong đó theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội,” Hải Phòng được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội, riêng giai đoạn 2022-2025 là 15.400 căn.
Do vậy, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, thành phố Hải Phòng đã đưa ra một số các giải pháp ưu tiên.
Cụ thể, về đất đai, thành phố Hải Phòng sẽ lựa chọn, bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố nhằm chủ động và linh hoạt trong phát triển nhà ở (trong đó ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, các cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di chuyển, các khu nhà ở kém chất lượng cần thay thế).
“Về quy hoạch, thành phố chuẩn bị trước các định hướng quy hoạch cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố để chủ động phát triển với quan điểm đây là một khu đô thị, nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật-xã hội đồng bộ,” ông Thọ chia sẻ.
Về chính sách hỗ trợ tài chính, ông Thọ cho rằng thời gian tới cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù về tài chính để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của thành phố; các cơ chế hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách khi thực hiện thuê mua, mua nhà ở xã hội, hỗ trợ ổn định cuộc sống tại các khu nhà ở xã hội mới; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh - ông Nguyễn Tuấn Dũng cũng cho rằng trong thời gian tới, các địa phương cần phải chú trọng, ưu tiên những nguồn lực để đầu tư phát triển các hạ tầng khung, hạ tầng kết nối trong khu đô thị; từ đó làm cơ sở lập quy hoạch cũng như thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề xuất bổ sung các quy định về giá bán nhà ở xã hội phù hợp nhằm hỗ trợ người mua và doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.
Góp thêm ý kiến, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - ông Hà Quang Hưng nhấn mạnh thời gian tới cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cấp chính quyền; sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thúc đẩy hoàn thành các dự án đang triển khai xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo nhà chung cư cũ./.