Hiểm họa tiềm ẩn từ việc tự chế tạo và sử dụng trái phép pháo nổ
Vụ tai nạn do chế tạo pháo nổ khiến 5 học sinh thương vong xảy ra tại Buôn Trấp (Đắk Lắk) mới đây là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội về những hậu quả của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ.
Vụ tai nạn do chế tạo pháo nổ khiến 5 em học sinh thương vong xảy ra tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 25/12 không chỉ để lại nỗi đau cho những người ở lại mà còn là hồi chuông cảnh báo cho tất cả học sinh, phụ huynh và toàn xã hội về những ẩn họa khôn lường từ việc tự chế tạo và sử dụng trái phép pháo nổ, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang đến gần.
Trong số 5 nạn nhân của vụ tai nạn, có hai em tử vong và một em bị thương nặng, đều học lớp 6 và 7 của Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Vụ việc không chỉ để lại sự đau thương rất lớn với thầy và trò nhà trường mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của học sinh.
Ông Phạm Thế Trường, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh cho biết mặc dù nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn từ việc chế tạo và sử dụng pháo nổ trong dịp Tết nhưng vẫn không trách khỏi sự việc đau lòng xảy ra.
Vụ việc mới đây nhất khiến hai học sinh tử vong, hai học sinh của nhà trường bị thương, trong đó có một em bị thương rất nặng hiện đã chuyển xuống Thành phố Hồ Chí Minh để cấp cứu, điều trị.
[Vụ nổ tại Đắk Lắk: Thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân]
“Đây là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các em học sinh, phụ huynh và toàn xã hội về những hậu quả của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ. Nhà trường sẽ tăng cường công tác giáo dục học sinh, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm quản lý, giáo dục con em tốt hơn, không để những sự việc đau lòng tương tự có thể xảy ra.
Đối với các em học sinh bị thương trong vụ việc, nhà trường sẽ hỗ trợ động viên tinh thần, giúp các em sớm vượt qua cú sốc tâm lý để việc học tập, sinh hoạt được trở lại bình thường,” ông Phạm Thế Trường chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Ana Võ Trung Dũng, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng đã cùng đại diện nhà trường thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình có con em tử vong. Đây là sự việc vô cùng thương tâm cũng là lời cảnh báo sâu sắc đến mọi người, nhất là học sinh và phụ huynh.
Sau vụ việc, đơn vị đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện ban hành văn bản chỉ đạo đến tất cả các cơ sở giáo dục để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh không chế tạo và sử dụng trái phép pháo nổ.
Mặc dù pháp luật nghiêm cấp và xử lý nặng các hành vi mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ, tuy nhiên cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán lại nổi lên những vụ việc vi phạm liên quan đến pháo nổ, bất chấp những ẩn họa có thể xảy ra.
Theo số liệu của Công an tỉnh Đắk Lắk, dịp Tết Nguyên đán năm 2022, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 110 vụ vi phạm với 126 đối tượng vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép các loại pháo nổ; thu giữ hơn 1.214 kg pháo nổ, 4,71 kg tiền chất dùng để chế tạo pháo và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan. Ngoài ra, Công an toàn tỉnh cũng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 182 trường hợp đốt pháo trái phép.
Để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cùng với việc đồng loạt ra quân triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nắm, dự báo sát tình hình, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ./.