Hệ thống ngân hàng Mỹ an toàn bất chấp SVB và Signature Bank sụp đổ

Các cơ quan quản lý Mỹ đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp quan trọng trong những ngày sau đó và dường như các biện pháp này đã giúp xoa dịu tình hình thị trường tài chính.

Trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thành viên điều hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman ngày 14/4 cho biết hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ vẫn "an toàn" bất chấp sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi tháng trước.

Hai ngân hàng SVB và Signature Bank đã sụp đổ vào tháng trước sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi. Các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp quan trọng trong những ngày sau đó và dường như các biện pháp này đã giúp xoa dịu tình hình thị trường tài chính.

Theo bà Bowman, dù tình hình cho thấy có thể có một số thay đổi, nhưng bà không tin rằng việc 2 ngân hàng trên sụp đổ có thể dẫn đến những quy định nghiêm ngặt hơn.

Fed và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết đang tiến hành đánh giá riêng biệt về việc giám sát các ngân hàng Mỹ sau khi 2 ngân hàng trên sụp đổ. Dự kiến, cả Fed và FDIC sẽ công bố những đánh giá riêng trước ngày 1/5 tới.

Bà Bowman nhấn mạnh "chúng tôi cần kiểm tra kỹ lưỡng, chính xác và đầy đủ trước khi đưa ra kết luận về các giải pháp" đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Theo bà, nếu phát hiện những thiếu sót trong hoạt động giám sát và quy định, thì cần giải quyết những thiếu sót đó.

Trước đó cùng ngày, ông Christopher Waller cũng là thành viên điều hành Fed, cho rằng "việc thắt chặt đáng kể các điều kiện tín dụng có thể làm giảm nhu cầu về chính sách thắt chặt tiền tệ bổ sung."

Đánh giá này của ông Waller tương đồng với nhận định trước đây của Fed rằng việc SVB sụp đổ có thể có nghĩa là hiện nay cần ít tăng lãi suất hơn để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, ông cho rằng nên thận trọng trước khi có những đánh giá chính thức được công bố.

Trong một bức thư gửi cổ đông hôm 4/4, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon nói rằng cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ vẫn đang diễn ra và tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.

Ông Dimon cho rằng vẫn còn những “cơn gió ngược” đang đe dọa nền kinh tế như cách đây một năm và hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực mới sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và việc ngân hàng UBS giải cứu Credit Suisse hồi tháng trước.

[Ngành ngân hàng Mỹ dự báo có kết quả kinh doanh ảm đạm]

Theo ông Dimon, khả năng suy thoái của thị trường đã tăng lên, mặc dù điều này không giống như năm 2008 song vẫn chưa rõ khi nào cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ kết thúc. Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đã gây ra nhiều lo ngại trên thị trường và nó có thể khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn khi các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác trở nên thận trọng hơn.

Dù vậy, ông Dimon nói rằng vẫn chưa rõ liệu sự gián đoạn đó có làm chậm hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, vốn đang thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, hay không. Những rủi ro dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện tại đang không thay đổi, viện dẫn mức độ rủi ro lãi suất và mức độ tiền gửi không được bảo đảm tại SVB.

Tuy nhiên, ông Dimon cũng nhận định cuộc khủng hoảng hiện nay không giống với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi cuộc khủng hoảng năm 2008 ảnh hưởng đến các ngân hàng lớn, các công ty cho vay thế chấp và các công ty bảo hiểm liên kết toàn cầu thì cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay liên quan đến ít “người chơi tài chính hơn” và có ít vấn đề cần giải quyết hơn.

Sau khi nắm quyền lãnh đạo JPMorgan vào năm 2006, ông Dimon đã chỉ đạo nhiều thương vụ mua lại ngân hàng đầu tư đang gặp khó khăn Bear Stearns và Washington Mutual, quỹ tiết kiệm và cho vay lớn của Mỹ.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Dimon một lần nữa đóng vai trò trung tâm, giúp dàn xếp khoản cứu trợ trị giá 30 tỷ USD cho ngân hàng First Republic với 11 bên cho vay lớn.

JPMorgan, Bank of America Corp, Citigroup và Wells Fargo & Co cam kết mỗi ngân hàng cứu trợ 5 tỷ USD, còn Morgan Stanley và Goldman Sachs mỗi bên cứu trợ 2,5 tỷ USD.

Ông Dimon nói rằng bất kỳ quy định mới nào để đối phó với tình trạng bất ổn hiện nay đều phải được "cân nhắc kỹ lưỡng," bao gồm các quy định rõ ràng hơn để xử lý các ngân hàng sụp đổ. Các yêu cầu về kiểm tra căng thẳng thất thường và sự không chắc chắn liên tục xung quanh các quy định trong tương lai sẽ làm hỏng hệ thống ngân hàng mà không làm cho nó an toàn hơn.

Giá cổ phiếu của JPMorgan đã giảm gần 3% trong năm nay, so với mức giảm 13% của các ngân hàng trong chỉ số S&P./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)