HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai tổ chức kỳ họp thứ nhất sau sắp xếp

Ngày 1/7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ Nhất sau khi sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tạo hành lang pháp lý minh bạch

Ngày 1/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ Nhất. Đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển của tỉnh sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Tuy nhấn mạnh, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tỉnh vừa kiện toàn tổ chức bộ máy, với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi các nội dung được thảo luận và quyết nghị phải kịp thời, sát thực tiễn và đúng pháp luật, nhằm tạo nền tảng cho bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Ông tin tưởng các đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, dân chủ, đoàn kết để đóng góp ý kiến chất lượng, góp phần thành công cho kỳ họp.

Tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII; Nghị quyết của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chỉ định Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp đã xem xét và thông qua bảy nghị quyết quan trọng. Trong đó, bốn nghị quyết do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình gồm: Nghị quyết thành lập bốn Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025; nghị quyết về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ba nghị quyết do Ủy ban nhân dân tỉnh trình gồm: Nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí hộ tịch; nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhanh chóng ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ cho cán bộ theo đúng đề án đã được phê duyệt. Các nhiệm vụ cần được triển khai đồng bộ, đảm bảo không chồng chéo, không đình trệ, không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ trên toàn tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát các nghị quyết, cơ chế chính sách đã ban hành, đối chiếu với thực tiễn và pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời. Các chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các nghị quyết, cơ chế và chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh cần hướng đến tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, sử dụng đất đai, phát triển hạ tầng, khoa học-công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hệ thống nghị quyết phải tạo hành lang pháp lý minh bạch, ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, người dân được thụ hưởng chính sách một cách thiết thực, hiệu quả.

Khai thác tốt nhất nguồn lực xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển

Ngày 1/7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất sau khi sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tại kỳ họp đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định đồng chí Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai (cũ) giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai. Hai Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh gồm các ông, bà: Trương Văn Đạt và Huỳnh Thúy Vân.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân gồm các ông, bà: Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng, Lâm Hải Giang, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thị Thanh Lịch, Dương Mah Tiệp, Nguyễn Hữu Quế.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh thông báo số lượng và danh sách đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026 với 119 đại biểu.

Kỳ họp thống nhất thông qua Nghị quyết thành lập các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai; Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai; thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai; danh sách Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Rah Lan Chung phát biểu. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Rah Lan Chung cho biết đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng tỉnh Gia Lai trong kỷ nguyên mới, đưa Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, vươn tầm khu vực và quốc gia.

Phát biểu nhận nhiệm vụ tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định sẽ cùng tập thể lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cam kết hành động với tinh thần “kiến tạo-liêm chính-hành động-trách nhiệm-hiệu quả”, trong đó lấy phương châm “làm gương-kỷ cương-trọng tâm-bứt phá” làm định hướng xuyên suốt toàn bộ quá trình quản lý, điều hành.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định, trọng tâm hành động của tỉnh sẽ là thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược theo tinh thần chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh gồm: Đột phá về thể chế phát triển trong đó chuyển mạnh tư duy từ quản lý sang phục vụ, từ cơ quan hành chính sang cơ quan kiến tạo và phục vụ. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách và hành động. Mỗi cán bộ, công chức phải thấm nhuần tinh thần “làm thật, có kết quả thật.”

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, tỉnh Gia Lai sẽ “nghĩ lớn, làm lớn,” làm có lợi cho quê hương, chứ không được suy nghĩ làm cho cục bộ địa phương. Lãnh đạo tỉnh sẽ là trung tâm đoàn kết, khai thác tốt nhất nguồn lực để phát triển; đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn để Gia Lai phát triển bền vững hơn.

Hiện, tỉnh vẫn còn sự khác biệt về văn hóa, an sinh xã hội cũng như tình hình an ninh trật tự, an ninh biên giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ thống quy hoạch chưa đồng bộ, có nguy cơ chồng chéo... Đây chính là những thách thức đặt ra cho tỉnh về công tác quản lý, vận hành.

Để Gia Lai ngày càng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị cần khẩn trương ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân tỉnh làm cơ sở vận hành, bảo đảm hoạt động đồng bộ, thống nhất, hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đồng thời đôn đốc cơ quan có liên quan xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành kịp thời nghị quyết chuyên đề quan trọng về quy hoạch, tài chính-ngân sách, đầu tư công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chuyển đổi số, cải cách hành chính... Trung ương đã giao tỉnh Gia Lai mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt tối thiểu 8%, làm nền tảng cho giai đoạn 2026-2031 đạt mức tăng trưởng hai con số.

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền; trên cơ sở đó, tiến hành phân giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các địa phương, đơn vị với tinh thần 6 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ tiến độ và rõ trách nhiệm.

Lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cần bắt tay ngay vào công việc, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết triển khai khoa học, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao./.