Hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam: Những nỗi đau vẫn còn dai dẳng
Thấu hiểu nỗi đau về thể xác và tinh thần của nạn nhân da cam và gia đình họ, Đảng và Nhà nước quan tâm, dành ngân sách để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc hóa học/dioxin với những nỗi đau vẫn hiện hữu và dai dẳng trong nhiều gia đình.
Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là "chất diệt cỏ" hay "chất khai quang" mở đầu cuộc chiến tranh hóa học kéo dài 10 năm, với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học đã được phun rải xuống miền Nam Việt Nam.
Hậu quả, đã có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang từng ngày vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhiều lần nộp đơn kiện những người có liên quan, tìm lại công lý cho các nạn nhân.
Kiên trì cuộc đấu tranh vì công lý
Ngày 25/7 vừa qua, bà Trần Tố Nga, người đại diện nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam khởi kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã chia sẻ thông tin với báo chí. Bà từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, cũng là một nạn nhân của loại vũ khí hóa học này.
Tại buổi gặp gỡ, bà Trần Tố Nga đã chia sẻ về hành trình gian nan hơn 10 năm theo đuổi vụ kiện giành lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Năm 2013, Tòa Evry (Pháp) đã chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc da cam/dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Tháng 4/2014, Tòa Evry mở phiên tòa đầu tiên với sự có mặt của 19 công ty (nhiều công ty đã giải thể).
Sau 19 phiên thủ tục, năm 2021, Tòa án Evry bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga vì không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Bà cùng nhiều luật sư tình nguyện giúp bà theo đuổi vụ kiện tiếp tục kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.
Bà khẳng định: "Tôi sẽ thực hiện cuộc chiến đấu này đến cùng, đây là cuộc chiến đấu cuối cùng của cuộc đời tôi."
Vụ kiện của bà Trần Tố Nga là sự kiện đặc biệt và duy nhất, bởi bà mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, có đủ điều kiện đại diện nạn nhân da cam Việt Nam khởi kiện. Hàng trăm người đã đến theo dõi và ủng hộ bà qua các phiên tòa.
Ngày 7/5/2024, Tòa phúc thẩm Paris mở phiên điều trần vụ kiện và dự kiến đưa ra phán quyết vào ngày 22/8 tới. Vấn đề phiên tòa này tập trung là các công ty hóa chất có được "quyền miễn trừ" hay không.
Bà Trần Tố Nga chia sẻ hành trình giành lại công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam rất lâu dài và không dễ dàng. Dù chưa biết sẽ kết thúc lúc nào và như thế nào, nhưng bản thân bà cùng những người đồng hành sẽ "kiên trì, can đảm, hy vọng và kiên định tới cùng."
Bên cạnh việc yêu cầu các công ty hóa chất chịu trách nhiệm về hành động của mình, bà mong muốn cả thế giới biết đến hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng tới hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam và tội ác của những công ty hóa chất gây ra. Bà và những người bạn đồng hành đang đạt được mục tiêu này bởi ngày càng nhiều người trên thế giới biết đến và ủng hộ cuộc đấu tranh của bà.
Tại Thụy Sĩ, Đảng Lao động Thụy Sĩ đã bày tỏ sự đoàn kết với bà. Tại Pháp, hàng trăm kiều bào và bạn bè chiều 4/5/2024 đã tụ họp tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris để bày sự ủng hộ với bà và các nạn nhân da cam Việt Nam. Bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam không đơn độc vì có sự thật và lẽ phải.
Đồng hành nhân ái, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Thấu hiểu nỗi đau về thể xác và tinh thần của nạn nhân da cam và gia đình họ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành ngân sách để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân. Cùng với đó là các hoạt động tri ân, động viên, giúp đỡ của nhiều đoàn thể, tổ chức thiện nguyện, cộng đồng người dân.
Tại Hà Nội, ngày 16/7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia, app thiện nguyện MB phát động chương trình "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, năm 2024" với chủ đề "Thắp sáng tương lai."
Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, chương trình nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam đạt được kết quả tốt. Năm 2023, Ban tổ chức thu được hơn 2 tỷ đồng, cùng với số tiền còn lại của năm 2022 (hơn 99 triệu đồng), tổng cộng là hơn 2,2 tỷ đồng.
Năm 2023, Hội đã hỗ trợ xây mới 14 nhà trị giá 930 triệu đồng; thăm, tặng quà trực tiếp cho gần 600 nạn nhân ở 22 tỉnh, thành phố với kinh phí trên 568 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Trung ương Hội hơn 140 triệu đồng...
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kỷ niệm 63 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để các cá nhân, tổ chức nhận thức vai trò trách nhiệm trước nỗi đau của nạn nhân, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tiếp tục chung tay giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã vận động, tặng hơn 7.600 suất quà, tặng 29 xe lăn xe lắc, hỗ trợ 105 nạn nhân khám chữa bệnh trị giá hơn 6 tỷ đồng…
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút xây dựng Dự án Làng Cam với quy mô 50.000m2 nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân da cam.
Nhân kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm nay, Hội tổ chức Chương trình đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam tại Công viên Văn hóa Đầm Sen ngày 4/8 với sự hưởng ứng của hơn 5.000 người.
Tại Tiền Giang, 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động được trên 11 tỷ đồng để tặng 26.137 phần quà, trao 40 xe lăn, xây dựng 9 Mái ấm da cam, nuôi dưỡng thường xuyên 372 nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Đồng thời, Hội tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, trao học bổng, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức với tổng trị giá trên 9,5 tỷ đồng. Hội hỗ trợ xây mới 16 căn nhà, trao tặng trên 16.000 phần quà các dịp lễ, Tết, tặng quà, học bổng học sinh, hỗ trợ khám chữa bệnh, xe lăn, mai táng phí cho các nạn nhân khó khăn…
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng ngày 8/7 đã bàn giao nhà cho các hộ gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở tại xã Mỹ Phước, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú.
Bày tỏ niềm vui khi nhận căn nhà mới, ông Huỳnh Văn Hưng (xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú), chia sẻ, gia đình rất khó khăn, nhà ở không được vững chắc nên thường lo sợ khi mùa mưa bão. Nay được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ căn nhà kiên cố, mái tôn, cao ráo, gia đình rất ấm lòng, không còn sợ dông lốc khi mùa mưa đến.
Cùng niềm vui đó, ông Tạ Trung Đức (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú) trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ gia đình kinh phí xây nhà.
Ông Đức chia sẻ gia đình không có ruộng đất, trước đây phải ở trong căn nhà nhỏ tạm bợ, hư hỏng nặng. Căn nhà mới chính là niềm mơ ước của gia đình...
Nạn nhân chất độc da cam là những nghèo khổ do bệnh tật kéo dài, sức khỏe kém, không thể tham gia lao động như người bình thường.
Dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hầu hết nạn nhân và gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội sẽ giúp họ được xoa dịu nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn./.