Hấp thụ vốn chậm, tín dụng TP.HCM tăng chưa tới 1% trong quý 1

Với mức tăng chưa đến 1%, tăng trưởng tín dụng của Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế là 2,06% được ghi nhận trong quý 1 năm 2023.

Hoạt động của các ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn thành phố đều có kết quả suy giảm trong quý 1 năm 2023. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)

Mặt bằng lãi suất neo cao, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp suy giảm khiến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt kết quả khá thấp.

Sức hấp thụ vốn còn chậm

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 1 năm 2023 tín dụng trên địa bàn thành phố tăng gần 1% so với cuối năm 2022.

Với mức tăng trên, tín dụng quý 1 năm 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn so với con số 3,65% vào cuối quý 1 năm 2022; đồng thời cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế là 2,06%.

Lý giải nguyên nhân tín dụng trên địa bàn tăng trưởng chậm, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời điểm quý 1 trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bên cạnh đó, "sức khỏe" nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Tín dụng Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khá chậm. Điều này tương quan với kết quả tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1 năm 2023, khi GRDP chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ và kết quả kinh doanh của nhiều ngành nghề suy giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), hoạt động của các ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn thành phố như lương thực thực phẩm, dệt may, cơ khí điện, xây dựng, chế biến gỗ, xây dựng… đều có kết quả suy giảm trong quý 1 năm 2023.

Chẳng hạn, với ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động.

"Khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may," đại diện HUBA cho biết.

[Doanh nghiệp gặp khó, kéo giảm sản xuất công nghiệp TP.HCM]

Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, kể từ khi lãi suất bắt đầu tăng cao, công ty đã tạm ngưng vay ngân hàng. Bởi với mức lãi suất trên 10% như hiện nay, việc đầu tư kinh doanh hiệu quả là bất khả thi đối với các doanh nghiệp sản xuất hiện nay.

Tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Kể từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm nên thanh khoản ở các ngân hàng thương mại dư thừa lớn. Nhiều ngân hàng cho biết rất muốn đẩy cầu tín dụng, tuy nhiên với bối cảnh thị trường như hiện nay nhiều khả năng tín dụng chưa thể tăng mạnh trở lại.

Một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số ngân hàng thương mại trên địa bàn bắt đầu điều chỉnh giãm lãi vay sau động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn neo ở mức khá cao, việc đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả là rất khó khăn.

Trong khi đó, với sức cầu suy giảm hiện nay, các doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất kinh doanh, mà phần lớn chỉ duy trì hoạt động, chờ đợi nhu cầu thị trường cải thiện hơn trong thời gian tới. Do đó, rất ít doanh nghiệp có nhu cầu vay mới, mà mong muốn ngành ngân hàng triển khai các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay cũ để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính ở giai đoạn hiện nay.

Nhiều dự án bất động sản, xây dựng đang gặp vướng mắc về các chính sách vốn, chưa thể triển khai. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Đối với thị trường bất động sản, xây dựng, nhu cầu vốn cho các dự án, doanh nghiệp vẫn rất lớn. Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 1 năm 2023, thành phố đã chấp thuận 5 dự án nhà ở (tổng cộng 7.753 căn hộ) được phép huy động vốn với tổng số tiền cần huy động hơn 105.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án đang gặp vướng mắc về các chính sách vốn, chưa thể triển khai.

Để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, đại diện HUBA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay một năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Trước tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian tới, ngành ngân hàng thành phố ưu tiên tập trung nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn duy trì, ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách về tín dụng, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các chính sách về cho vay ngắn hạn bằng VND với mức lãi suất trần không quá 5% đối với 5 nhóm ngành ưu tiên.

Đồng thời, thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất với hành động cụ thể và trách nhiệm, gắn với việc tập trung nguồn lực và tăng cường thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng thành phố sẽ tổ chức giải ngân các gói tín dụng ưu đãi như cam kết từ các tổ chức tín dụng, cũng như tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục, hồ sơ nhằm giảm bớt thời gian giao dịch cho khách hàng, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với chi phí hợp lý nhất, giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

Duy trì cơ chế phối hợp và tiếp tục phản ánh vướng mắc, khó khăn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và cho chính tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông suốt, ổn định…

Trong năm 2023, thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, đã có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói tín dụng trị giá 453.070 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Ngoài ra, có 10 ngân hàng có trụ sở chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh công bố các gói tín dụng tổng giá trị lên đến 87.600 tỷ đồng và 100 triệu USD giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các gói tín dụng này có mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đều dưới 9%/năm và cho vay ngoại tệ theo quy định của nhà nước.

Với các giải pháp trên, cộng thêm định hướng chính sách gia hạn nợ và giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng thành phố kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn sẽ phục hồi trở lại từ quý 2 năm 2023, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế tăng trưởng trở lại trong thời gian tới./.

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)