Hành trình từ nhân viên trại gà đến tân cử nhân Đại học RMIT của nam sinh Hà Nội

Đỗ đại học nhưng gia đình khó khăn, Tỉnh phải tạm gác ước mơ, làm đủ nghề để phụ giúp gia đình, từ nhân viên trại gà đến công nhân xưởng may, nhân viên bán hàng.

Trong các tân sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học RMIT năm nay, Hà Viết Tỉnh khá khác biệt khi hơn các bạn đồng khóa 4 tuổi. Tốt nghiệp Trung học phổ thông và đỗ vào hai trường đại học năm 2017 nhưng nhà thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn, Tỉnh quyết định đi làm để tích lũy kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính cho gia đình.

Suất học bổng thay đổi cuộc đời

Nghỉ học, Tỉnh từng xoay xở làm đủ nghề, từ làm việc ở trại gà đến xưởng may, rồi học nghề tại REACH - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ dạy nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, làm nhân viên bán hàng tại một công ty nước giải khát.

Dù phải nghỉ học, Tỉnh vẫn nuôi khát vọng học đại học và tự học tiếng Anh qua YouTube. Tranh thủ sau giờ làm, Tỉnh ra hồ Hoàn Kiếm bắt chuyện với du khách nước ngoài để luyện thêm.

Bước ngoặt cuộc đời đến với Tỉnh năm 2020 khi em trúng tuyển học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Đại học RMIT trị giá 100% học phí chương trình tiếng Anh, chương trình cử nhân, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và các khoản phụ cấp khác. Với Tỉnh, đây là "giấc mơ có thật" dù đăng ký với hy vọng mong manh.

Tỉnh được học tiếng Anh một năm và chương trình chuyển tiếp đại học (SEUP) trước khi chính thức bước vào chương trình đại học. Mỗi ngày, Tỉnh thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng, bắt xe buýt vượt hơn 30 cây số từ nhà ở huyện Chương Mỹ đến trường ở quận Ba Đình (Hà Nội), miệt mài học tập và hoạt động ngoại khóa tới chiều tối, rồi lại lên xe buýt ngồi gần hai tiếng để về nhà.

Tỉnh cho hay chính việc phải vượt quãng đường rất xa khiến em càng trân trọng hơn cơ hội học tập, có thêm động lực để cố gắng hơn. Việc phải tạm dừng việc học để đi làm khiến Tỉnh luôn tự nhủ bản thân nếu được làm sinh viên sẽ nỗ lực hết mình, tận dụng tối đa khoảng thời gian quý giá này để trải nghiệm.

Tỉnh (nam sinh mặc áo đỏ) cùng các bạn sinh viên tình nguyện và nhân viên RMIT tại sự kiện chào đón tân sinh viên đầu năm 2023. (Ảnh: ĐH RMIT)

Tỉnh tranh thủ học ngay trên xe, luôn cố gắng hoàn thành bài tập trước hạn chót ít nhất 3-4 ngày. Tỉnh năng nổ, nhiệt tình và là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động ngoại khóa. Tỉnh từng là đại sứ sinh viên và thành viên chủ chốt của RED (cộng đồng sinh viên tình nguyện tại RMIT), tham gia hỗ trợ hàng chục sự kiện lớn nhỏ của trường; từng làm nhân viên tiếp nhận thắc mắc và yêu cầu của sinh viên ở Bộ phận hỗ trợ sinh viên Student Connect của trường và tham gia tổ chức hoạt động cho sinh viên quốc tế đến trao đổi sinh viên ở RMIT...

“Tỉnh là một minh chứng sống cho tinh thần không ngại khó, ngại khổ và luôn chắt chiu nâng niu từng cơ hội mình có. Suốt một, hai năm đầu tiên, Tỉnh gần như xuất hiện tại mọi sự kiện trong một vai trò hỗ trợ nào đó. Công việc nào Tỉnh cũng làm với tinh thần nghiêm túc, tận tâm và chủ động,” chị Nguyễn Thị Phương Linh, Trưởng phòng Hoạt động sinh viên tại RMIT Việt Nam nói.

Những năm tháng sống đời sinh viên một cách trọn vẹn đã cho Tỉnh sự tự tin bước ra thế giới. Cuối năm 2023, Tỉnh quyết định vượt ra khỏi vùng an toàn một lần nữa và đi trao đổi sinh viên sang cơ sở Melbourne của Đại học RMIT.

“Khoảng thời gian chín tháng đó vô cùng quý giá với em vì gắn với rất nhiều ‘lần đầu tiên’. Đó là lần đầu tiên mình đi du học một mình và va chạm với những khó khăn nơi xứ người như tự tìm nhà, tìm việc, tìm cách sử dụng phương tiện đi lại; lần đầu tiên làm thêm bốn công việc song song với việc học, từ làm nhân viên bán hàng, phụ bếp, chụp ảnh đến phục vụ tại một khách sạn,” Tỉnh cho hay.

Mang cơ hội đến cho học sinh nghèo

Học chuyên ngành quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm làm việc đa dạng, nhưng sau khi tốt nghiệp Tỉnh không lựa chọn vào làm ở các tổ chức mà quyết định theo đuổi dự định đã ấp ủ từ khi nhận học bổng RMIT, đó là thành lập dự án tiếng Anh cộng đồng để đưa ngôn ngữ này đến gần với trẻ em và các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Tỉnh tham gia một cuộc thi dành cho sinh viên tại Melbourne. (Ảnh: NVCC)

Dự án Green English ra đời vào đầu năm 2025 đã tạo cơ hội tiếp cận với tiếng Anh cho hàng chục học sinh thuộc nhiều độ tuổi khác nhau ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và tỉnh Nam Định qua các lớp học trực tuyến miễn phí do Tỉnh đứng lớp. Sau phản hồi tích cực của học viên, Tỉnh đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để mở một trung tâm tiếng Anh.

Chia sẻ về dự án này, Tỉnh cho hay em từng trải qua khó khăn nên rất muốn đóng góp cho cộng đồng, hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh giống như mình có thể học tiếng Anh.

“Em luôn mong muốn sau này sẽ đi dạy tiếng Anh nhưng chưa nghĩ rằng sẽ tự đứng ra mở trung tâm ở quê nhà. Điều em tự hào nhất trong hành trình trưởng thành của mình đó là việc dám nghĩ, dám làm khi thực hiện dự án Green English,” Tỉnh nói.

Với Tỉnh, làm giáo viên dạy tiếng Anh là “nghề chọn người”, là công việc em đam mê và vì thế em có thể làm việc với nhiều động lực và hiệu quả hơn.

Nhận tấm bằng cử nhân, khép lại một hành trình đầy nỗ lực đã qua nơi giảng đường, Hà Viết Tỉnh cho hay sẽ không ngừng học hỏi và tiếp tục khám phá, tập trung vào những việc có thể làm, tận hưởng từng khoảnh khắc và nỗ lực hết mình cho những mục tiêu mới mà mình đề ra./.