Hãng sản xuất máy bay Boeing trả mức lương cao chưa từng có cho một CEO

Gói trả lương 33 triệu USD dành cho CEO sắp mãn nhiệm Dave Calhoun, được thông qua tại đại hội cổ đông ngày 17/5, là mức cao chưa từng có dành cho một Giám đốc Điều hành của Boeing.

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cổ đông của hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã thông qua gói trả lương trị giá 33 triệu USD cho Giám đốc Điều hành (CEO) sắp mãn nhiệm Dave Calhoun tại đại hội cổ đông thường niên vào ngày 17/5.

Đó là gói trả lương cao chưa từng có cho một CEO của Boeing và tăng 45% so với mức 22,6 triệu USD mà ông Calhoun nhận được vào năm 2022.

Phần lớn trong khoản chi trả vừa được thông qua là từ khoản thưởng khủng bằng cổ phiếu, ngoài số lương trên 1 triệu USD.

Ông Calhoun, người đã đứng đầu Boeing kể từ năm 2020, hồi tháng 3/2024 thông báo sẽ rời vị trí này vào cuối năm nay. Cuộc bỏ phiếu của cổ đông ngày 17/5 là để thông qua gói trả lương năm 2023 cho ông Calhoun.

Ông Calhoun đã từ chối nhận khoản thưởng khích lệ bổ sung hàng năm 2,8 triệu USD, một đề nghị được đưa ra sau sự cố của hãng hàng không Alaska Airlines.

Khi nghỉ hưu, ông Calhoun cũng sẽ nhận được khoản thưởng cổ phiếu và các lựa chọn theo thời gian, có tổng trị giá 45 triệu USD.

Quyết định của các cổ đông được đưa ra khi hãng sản xuất máy bay này đối mặt với các xem xét bổ sung sau một loạt sự cố an toàn, trong đó có sự cố bung một phần thân máy bay hồi tháng Một năm nay, dẫn đến một loạt cuộc điều tra đối với hoạt động của hãng.

Boeing đang phải đương đầu với những khó khăn về tài chính trong năm năm qua, kể từ sau các vụ tai nạn thảm khốc của máy bay 737 Max vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 mà sau đó dòng máy bay bán chạy nhất của hãng bị cấm bay trong 20 tháng.

Hãng cũng gặp những vấn đề do đại dịch khiến hoạt động đi lại bằng đường hàng không gần như đình trệ trong nhiều tháng và gây thua lỗ lớn đối với hầu hết các hãng hàng không đã mua máy bay của hãng.

Trước đó, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) đang điều tra xem liệu Boeing có hoàn thành các cuộc kiểm tra cần thiết đối với dòng 787 hay không, và liệu các nhân viên của họ có làm giả hồ sơ hay không.

FAA cho biết họ tập trung vào việc liệu Boeing có thực hiện các cuộc kiểm tra cần thiết để xác nhận việc gắn và lắp ráp phù hợp tại nơi cánh nối với thân máy bay trên một số chiếc 787 Dreamliner hay không.

FAA cho hay Boeing đã thông báo họ có thể chưa hoàn thành các cuộc kiểm tra cần thiết để đảm bảo dòng điện an toàn và hoạt động giữa các bộ phận của máy bay.

Điều này dẫn đến việc nhà sản xuất máy bay đối mặt với một cuộc điều tra mới của FAA liên quan đến hoạt động kiểm tra mẫu 787 Dreamliner và liệu nhân viên của công ty có thể làm giả hồ sơ hay không.

Ông Scott Stocker, người đứng đầu chương trình máy bay 787 của Boeing, ngày 29/4 đã gửi thư cho các nhân viên và nói rằng việc thiếu các cuộc kiểm tra không ngay lập tức gây ra vấn đề an toàn chuyến bay, nhưng sẽ làm gián đoạn hoạt động của nhà máy.

Ông cho biết Boeing đã nhanh chóng thông báo cho cơ quan quản lý về những gì họ phát hiện, đồng thời đang thực hiện các hành động khắc phục nhanh chóng và nghiêm túc.

Trong khi đó, công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới Avia Solutions mới đây cảnh báo các khách hàng có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng hủy chuyến vào mùa Hè này do khủng hoảng an toàn tại Boeing khiến các hãng hàng không phải nỗ lực đảm bảo đủ máy bay.

Theo Avia, các hãng hàng không châu Âu có khả năng sẽ phải cắt giảm lịch trình bay trong những tháng tới.

Nguyên nhân gây ra tình trạng hủy chuyến được cho là do việc bàn giao máy bay cho các hãng hàng không bị chậm trễ sau sự cố tấm cửa sổ và một mảnh thân trên máy bay của Boeing nổ tung giữa không trung, làm dấy lên lo ngại về an toàn và gây ra chậm trễ sản xuất trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hậu COVID-19.

Ông Gediminas Ziemelis, Chủ tịch Avia có trụ sở tại Dublin, cho biết thị trường đang chứng kiến nhu cầu cao vượt trội. Lần gần nhất xảy ra tình trạng tương tự như vậy là khi lưu lượng hành khách phục hồi sau sự kiện 11/9.

Các hãng hàng không đang rất cần máy bay do các vấn đề sản xuất nhưng nguồn cung đã cạn kiệt.

Avia, công ty cho thuê máy bay theo hợp đồng ngắn hạn, cho biết họ dự kiến sẽ triển khai ít nhất 80% trong đội bay 212 chiếc tại châu Âu vào mùa Hè này khi các hãng hàng không đang chạy đua để giải quyết vấn đề thiếu hụt máy bay.

Ngoài những vấn đề liên quan đến Boeing, các hãng hàng không cũng bị ảnh hưởng bởi việc nhà sản xuất Pratt & Whitney thu hồi hàng trăm động cơ cho máy bay chặng ngắn của Airbus.

Việc thiếu hụt máy bay khiến các hãng hàng không phải chạy đua để bổ sung năng lực dự phòng./.