Hàn Quốc triển khai nhiều chính sách thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh
Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua 4 dự luật, trong đó có 3 dự thảo sửa đổi luật có nội dung mở rộng chế độ hỗ trợ chăm sóc con nhỏ và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 25/6, Chính phủ Hàn Quốc đã xem xét và thông qua 4 dự luật do Bộ Lao động đệ trình.
Thông tin từ Bộ Lao động cho biết 4 dự luật gồm 3 dự thảo sửa đổi luật có nội dung mở rộng chế độ hỗ trợ chăm sóc con nhỏ và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp là "Luật về bình đẳng trong tuyển dụng nam giới và nữ giới, hỗ trợ cân bằng giữa công việc và gia đình," "Luật bảo hiểm tuyển dụng," "Luật tiêu chuẩn lao động."
Các dự luật sẽ có hiệu lực thi hành sau 6 tháng kể từ ngày công bố.
Các dự luật còn có các nội dung như mở rộng độ tuổi con cái mà bố mẹ có thể xin giảm giờ làm việc để chăm sóc, là từ "dưới 8 tuổi trở xuống hoặc lớp 2 tiểu học trở xuống" thành "dưới 12 tuổi hoặc lớp 6 tiểu học trở xuống."
Ngoài ra, khoảng thời gian nghỉ chăm sóc trẻ chưa được sử dụng sẽ được cộng thêm gấp đôi vào thời gian giảm giờ làm việc của cha mẹ.
Bên cạnh đó, số lần người chồng xin nghỉ trong thời gian vợ sinh đẻ được tăng từ 1 lần lên 3 lần và thời gian được hưởng trợ cấp thai sản của người chồng được mở rộng từ "5 ngày" thành "toàn bộ thời gian xin nghỉ" (là 10 ngày như hiện hành).
Nhằm bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và thai nhi khỏi nguy cơ sinh non, khoảng thời gian được nghỉ 2 giờ làm việc mỗi ngày từ "trong vòng 12 tuần đầu mang thai hoặc sau 36 tuần thai kỳ" sẽ được đổi thành "trong vòng 12 tuần đầu mang thai hoặc sau 32 tuần thai kỳ."
Thời gian xin nghỉ điều trị vô sinh sẽ được tăng từ "3 ngày/năm" lên "6 ngày/năm", trong đó số ngày nghỉ có lương sẽ được nâng từ "1 ngày" lên "2 ngày" và tiền lương cho 2 ngày sẽ được chi trả cho người lao động thuộc các công ty đủ điều kiện được hỗ trợ ưu tiên.
Mặt khác, dự thảo sửa đổi "Luật phát triển năng lực nghề nghiệp trọn đời cho người dân" cũng được thông qua trong cuộc họp nội các cùng ngày.
Dự luật này bao gồm các nội dung như cho phép các doanh nghiệp có quyền quyết định các khóa đào tạo cá nhân trong một phạm vi nhất định và nhận được hỗ trợ chi phí đào tạo nếu kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp bao gồm nhiều khóa đào tạo đa dạng được phê duyệt trước./.