Hàn Quốc tìm cách giải quyết vấn đề tồn đọng lịch sử với Nhật Bản

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu Mitsubishi Heavy Industries và Nippon của Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân của lao động cưỡng bức Hàn Quốc, song các công ty này từ chối thực hiện.

Các nạn nhân lao động cưỡng bức người Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản phải có hình thức bồi thường. (Ảnh: AP)

Cơ quan tham vấn thuộc Chính phủ Hàn Quốc về giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động cưỡng bức với Nhật Bản ngày 9/8 đã thảo luận về việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động của Hàn Quốc trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Đây là cuộc thảo luận thứ 3 của cơ quan này về cách thức bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động sau khi cơ quan trên được thành lập hồi đầu tháng 7/2022 như một phần trong nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm giải quyết các bất đồng trong lịch sử và hàn gắn mối quan hệ song phương với Nhật Bản.

Cuộc thảo luận này diễn ra trong bối cảnh Tòa án Tối cao Hàn Quốc dự kiến vào ngày 18/9 tới sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề bồi thường cho một trong những trường hợp lao động cưỡng bức.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra lệnh cho các công ty Nhật Bản gồm Mitsubishi Heavy Industries Inc. và Nippon Steel Corp thực hiện việc bồi thường cho các nạn nhân của lao động cưỡng bức Hàn Quốc, song các công ty này đã từ chối thực hiện.

Cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp diễn và các nhóm nạn nhân đã đạt được phán quyết thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản để trả tiền bồi thường.

Các công ty của Nhật Bản phản đối phán quyết của tòa án Hàn Quốc và cho rằng mọi vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo một hiệp định năm 1965 về bình thường hóa quan hệ song phương Nhật-Hàn.

Trong bối cảnh đó, đầu tuần này,  Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Yoon Duk-min cũng cảnh báo về thiệt hại lớn nếu tài sản của các công ty Nhật Bản bị thanh lý.

Trong buổi tọa đàm đầu tiên sau khi nhậm chức vào ngày 8/8, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Yoon Duk-min cho rằng Tòa án cần "đóng băng" lệnh bán tài sản để "tạo không gian" cho các nỗ lực ngoại giao song phương, tuy nhiên ông Yoon Duk-min cũng chỉ ra rằng vấn đề này không thể giải quyết bằng nỗ lực của riêng Hàn Quốc, mà cần cả nỗ lực từ phía Nhật Bản.

[Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản cùng giải quyết các vấn đề tồn đọng]

Về việc các nạn nhân yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp đàm phán, Đại sứ Yoon Duk-min cho biết Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin khi thăm Tokyo đã truyền đạt rõ ràng với phía Nhật Bản về các hạng mục yêu cầu của các nạn nhân, nhưng Tokyo hiện vẫn giữ nguyên lập trường.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản không chấp nhận yêu cầu đàm phán trực tiếp của các nạn nhân.

Tân Đại sứ Hàn Quốc cho rằng cần đình chỉ phán quyết bán tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản do Tòa án tối cao Hàn Quốc đưa ra trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến vì nếu phán quyết này được thực thi, người dân và doanh nghiệp hai nước Hàn-Nhật sẽ có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh có trị giá lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ won.

Hơn nữa, Tokyo sẽ có biện pháp trả đũa, kéo theo đó là Seoul cũng sẽ đáp trả, dẫn tới doanh nghiệp hai nước chịu thiệt hại nặng nề.

Cũng theo ông Yoon Duk-min, nếu vụ kiện này kết thúc bằng phán quyết bán tài sản, quá trình khôi phục danh dự và nhân phẩm, chữa lành vết thương cho các nạn nhân sẽ bị bỏ qua và họ sẽ chịu thiệt hại lớn nhất.

Trong diễn biến khác liên quan, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 9/8 cho biết tân Đại sứ Yoon Duk-min đã không trao đổi trước với Bộ Ngoại giao nước này về lập trường "cần đóng băng lệnh bán tài sản" của Tòa án Tối cao.

Hiện bộ này đang theo dõi dư luận sau phát biểu của ông Yoon Duk-min.

Quan chức trên cho biết thêm phát biểu của ông Yoon Duk-min mang hàm ý rằng hai nước phải tìm ra phương án giải quyết hợp lý vấn đề nêu trên trước khi phán quyết bán tài sản được thực thi./.

Khánh Vân (TTXVN/Vietnam+)