Hàn Quốc phấn đấu mở rộng mạng lưới FTA lên mức hàng đầu thế giới
Lộ trình mới chính sách thương mại của Hàn Quốc đề xuất 4 nhiệm vụ chính, trong đó đầu tiên là mở rộng mạng lưới FTA của Hàn Quốc lên mức hàng đầu thế giới với độ bao phủ lên đến 90% GDP toàn cầu.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/8 đã công bố Lộ trình chính sách thương mại mới trong đó có chiến lược mở rộng mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và thúc đẩy đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng.
Tại Hội nghị các Bộ trưởng lần thứ 44 do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì, Chính phủ nước này đã đánh giá kết quả chính sách thương mại trong hai năm qua và công bố lộ trình chính sách thương mại mới với trọng tâm là mở rộng mạng lưới FTA, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Các quan chức chính phủ nhận định mặc dù đã đạt được thành quả trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cao kỷ lục từ trước tới nay thông qua "ngoại giao bán hàng" cấp cao nhưng Hàn Quốc vẫn cần thiết lập lộ trình mới để đối phó với tình hình bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng và việc các quốc gia lớn đang nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tăng cường các biện pháp ưu tiên cho hàng hóa nội địa với lý do đảm bảo an ninh kinh tế.
Lộ trình mới của Hàn Quốc đề xuất 4 nhiệm vụ chính, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là mở rộng mạng lưới FTA của Hàn Quốc lên mức hàng đầu thế giới với độ bao phủ lên đến 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Cụ thể, Seoul có kế hoạch ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với các nước lớn ở châu Á và châu Phi, nơi có tiềm năng tăng trưởng lớn và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, sau đó mở rộng mạng lưới thương mại sang các quốc gia lân cận; bao gồm việc tái khởi động các cuộc đàm phán FTA giữa ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, vốn bị gián đoạn do quan hệ căng thẳng giữa các nước và đại dịch COVID-19.
Tiếp đó, để đối phó với rủi ro thương mại nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh hợp tác đa phương như "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" (IPEF), Seoul sẽ ký kết các biên bản hợp tác chuỗi cung ứng song phương với các nước đối tác chính như Australia và Indonesia trước năm 2027.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch sửa đổi Luật phòng chống và bảo vệ kỹ thuật công nghiệp nhằm bảo vệ công nghệ cốt lõi của quốc gia và đưa các thương vụ mua bán và sáp nhập của các công ty sở hữu công nghệ chiến lược tiên tiến vào đối tượng thẩm định đầu tư nước ngoài để tăng cường an ninh kinh tế.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đồng thời tăng cường vai trò trung tâm trong các cuộc thảo luận cải cách trên trường quốc tế như khôi phục chức năng giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm góp phần khôi phục trật tự thương mại đa phương.
Để đạt được mục tiêu của chương trình, chính phủ Hàn Quốc công bố các biện pháp quản lý hiệu quả tiến trình và tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho công chức hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương làm việc ở cả trong và ngoài nước./.