Hàn Quốc: Đảng DP phản đối Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ ra biển

Đảng Dân chủ tự do (DP) đã đơn phương thông qua một nghị quyết phản đối kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển trong khi đảng PPP tẩy chay nghị quyết này.

Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 20/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các thành viên của Đảng Dân chủ tự do (DP) thuộc Ủy ban Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi, lương thực, hải dương và thủy sản của Quốc hội Hàn Quốc ngày 27/6 đã đơn phương thông bỏ phiếu qua một nghị quyết phản đối kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Các nghị sỹ đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã phản đối cuộc bỏ phiếu này và rời khỏi phòng họp vì cho rằng chưa có đủ thời gian thảo luận đầy đủ về dự thảo nghị quyết.

Dự thảo do DP thông qua kêu gọi Nhật Bản hủy bỏ kế hoạch xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, đồng thời đề xuất đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, mở rộng kiểm tra mức độ phóng xạ trong thủy sản, lập đối sách bảo vệ ngư dân và đảm bảo tính an toàn cho lĩnh vực thủy sản.

Nghị quyết không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu nhưng đã được thêm vào sau khi cuộc họp phiên họp toàn thể của Ủy ban Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi, lương thực, hải dương và thủy sản khai mạc vào sáng 27/6.

Mâu thuẫn trong Quốc hội Hàn Quốc gia tăng do DP cho rằng Chính phủ Hàn Quốc phản ứng chưa đủ mạnh để bảo vệ ngư dân và ngành thủy sản trong nước.

DP thậm chí vào tuần trước đã gửi thư tới các thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương để lôi kéo sự ủng hộ trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Nhật Bản xả nước đã qua xử lý ra biển.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lập tức đã phản đối động thái của DP, đưa ra một tuyên bố cảnh báo đảng này "vượt quá kiểm soát và cân bằng" trong chính phủ

Nhật Bản dự kiến sẽ xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong mùa Hè này. Mặc dù Nhật Bản cho hay đã xử lý đảm bảo, nhưng nhiều người dân Hàn Quốc vẫn tỏ ra nghi ngại.

Ngày 12/6, hàng nghìn ngư dân Hàn Quốc đã tập trung gần tòa nhà Quốc hội ở Seoul để biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải phóng xạ ra Thái Bình Dương của Nhật Bản.

Trong khi đó, báo chí Nhật Bản tiếp tục thông tin về kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ ra biển.

Báo Sankei của Nhật Bản ngày 27/6 dẫn lời một quan chức Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp nước này, cho biết Thủ tướng Kishida Fumio sẽ là người ra quyết định cuối cùng về thời điểm xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Theo quan chức này, việc xả nước thải ra biển phải đáp ứng đủ ba điều kiện là hoàn tất thi công thiết bị xả nước thải, kiểm tra trước khi sử dụng, báo cáo cuối cùng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ngày 28/6, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản bắt đầu tiến hành thẩm tra hệ thống xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 ra biển.

[Nhật Bản bắt đầu kiểm tra hệ thống xả thải của nhà máy Fukushima số 1]

Trong đợt thẩm tra lần này, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản sẽ kiểm tra hệ thống thiết bị sử dụng nước biển để làm loãng nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý, các thiết bị tự ngắt trong trường hợp xảy ra sự cố.

Đây được coi là công tác thẩm tra lần cuối của cơ quan chức năng tại Nhật Bản trước khi hệ thống này chính thức đi vào hoạt động.

Tháng 3/2011, một trận động đất mạnh có độ lớn 9 đi kèm các con sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra hàng loạt sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.

Sau thảm họa, TEPCO - chủ sở hữu của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - vẫn phải sử dụng nước để làm nguội các thanh nhiên liệu đã bị tan chảy ở nhà máy này.

Cùng với nước mưa và nước ngầm tích tụ ở khu vực xung quanh nhà máy, nước thải sau khi được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến để loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ.

Tuy nhiên, hệ thống này không thể loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ tritium trong nước thải.

Hiện nay, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý được TEPCO lưu giữ trong các thùng chứa ở khu vực xung quanh nhà máy do nước thải ngày càng nhiều nên phát sinh nguy cơ không còn đủ chỗ chứa.

Trong bối cảnh đó, tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bắt đầu xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển trong khoảng 2 năm sau đó.

Tháng 8/2022, TEPCO đã bắt đầu xây dựng hệ thống xả thải và đến ngày 26/6 đã hoàn tất thi công đường hầm dưới biển, được dùng để đưa nước thải từ nhà máy Fukushima số 1 tới một địa điểm cách đó khoảng 1km./.

(Vietnam+)