Hạn chế xét tuyển đại học sớm để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông

Đồng tình với chủ trương hạn chế xét tuyển sớm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và sự công bằng nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên linh hoạt trong chỉ tiêu. 

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. (Ảnh: TTXVN)

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng đến hạn chế các phương thức cũng như số lượng chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này nhằm đảm chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông cũng như đảm bảo công bằng trong xét tuyển.

Khắc phục những hạn chế

Những năm qua, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non đã có những đổi mới theo hướng đảm bảo quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những mặt tích cực, việc các cơ sở giáo dục có quá nhiều phương thức xét tuyển đã gây nhiễu trong tuyển sinh. Việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, chỉ xét tuyển học bạ đến hết học kỳ một lớp 12 hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ đã đẩy điểm chuẩn phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông lên quá cao đồng thời gây bất công bằng trong cơ hội xét tuyển với những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức tuyển sinh.

Để khắc phục những bất cập, băn khoăn của xã hội, một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Dự thảo cũng quy định việc xét tuyển theo học bạ phải dùng kết quả của cả học kỳ hai lớp 12.

Việc đưa ra giới hạn 20% được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, hướng đến việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển bởi không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng đây là quan điểm đúng đắn.

Từ thực tiễn cơ sở, thầy Minh Châu cho hay học sinh khi biết chắc mình đỗ vào các trường đại học thì sẽ có tâm lý buông việc học ở học kỳ hai của lớp 12, không cố gắng phấn đấu để đạt kết quả cao trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông,

“Tôi lấy ví dụ như các trường chuyên, học sinh rất được ưu tiên trong việc xét tuyển học bạ, kèm theo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ SAT, các em hoàn toàn có thể vào thẳng các trường đại học tốp đầu. Do đó, khi thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông thì học sinh trường chuyên không cố gắng hết sức. Chính vì vậy mà Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai lại có cơ hội để dẫn đầu thành phố trong kỳ thi này ở môn Toán,” thầy Châu nói.

Học sinh ôn thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng chia sẻ này, bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng điều này sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và công bằng trong tuyển sinh. Bà Na cho hay trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh trúng tuyển xét tuyển sớm của trường Lương Thế Vinh là trên 90%.

“Khi hơn 90% học sinh trúng tuyển sớm thì học kỳ II của năm lớp 12 đối với thầy cô giáo trường Lương Thế Vinh thật sự rất chật vật vì phải làm công tác tư tưởng không chỉ cho học sinh mà phụ huynh, để các em vẫn giữ được sự nỗ lực, duy trì được nhiệt huyết trong học tập cho hết năm,” bà Văn Liên Na chia sẻ.

Nên linh hoạt trong chỉ tiêu?

Tuy đồng tình về mặt chủ trương hạn chế xét tuyển sớm, nhưng bà Văn Liên Na cho rằng con số giới hạn chỉ tiêu 20% là chưa hợp lý. “Có rất nhiều phương thức xét tuyển sớm như điểm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy điểm SAT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Vì vậy, nếu tổng các phương thức chỉ có 20% chỉ tiêu là hơi ít. Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc lại,” bà Văn Liên Na nói.

Là thí sinh sẽ tham gia kỳ tuyển sinh năm 2025 và chịu tác động trực tiếp từ dự thảo quy chế, Đặng Thị Khánh Trang, lớp 12, Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho biết em đồng tình với chủ trương hạn chế xét tuyển sớm để đảm bảo việc học ở học kỳ hai lớp 12 cũng như tạo sự công bằng hơn cho các thí sinh không có cơ hội tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển, đặc biệt là với những thí sinh chỉ dùng điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển. Cũng theo Trang, việc học sinh tập trung quá nhiều vào học và ôn luyện theo các phương thức xét tuyển sớm cũng khiến việc học trên lớp bị bỏ bê.

“Tuy nhiên, ở góc độ khác, em nghĩ rằng tỷ lệ này có thể linh hoạt hơn tùy vào các ngành học,” Trang chia sẻ. Dự kiến sẽ dùng điểm kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển sớm, Trang cũng bày tỏ lo ngại khi chỉ tiêu xét tuyển sớm hạn chế sẽ đẩy điểm chuẩn tăng lên.

Nên linh hoạt chỉ tiêu dựa theo ngành, nhóm ngành cũng là quan điểm của Phó giáo sư Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ thực tế tuyển sinh, ông Hải cho biết có những ngành có số lượng thí sinh đăng ký rất đông nhưng cũng có những ngành có số lượng thí sinh vừa phải.

“Vì vậy, nên để mức tỷ lệ linh hoạt hơn hơn, có thể có ngành cao hơn 20% nhưng tổng thể các ngành không quá 20%,” ông Hải nói.

Nhìn ở góc độ khác, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc hạn chế xét tuyển sớm là cần thiết, nhất là với phương thức xét tuyển theo học bạ. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng chỉ nên giới hạn ở phương thức xét tuyển theo học bạ để tránh tình trạng các trường “vơ bèo vạt tép”, cố gắng tuyển cho đủ chỉ tiêu, không nên áp dụng với các phương thức xét tuyển hướng đến tài năng.

“Bên cạnh đó, theo Luật Giáo dục đại học thì việc quyết định phương thức tuyển sinh cũng như tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu giữa các phương thức là việc tự chủ các trường. Việc Bộ đề xuất tỷ lệ 20% cũng không có cơ sở nào,” Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần phân biệt khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức xét tuyển. Theo đó, xét tuyển sớm là thời gian xét tuyển diễn ra trước khi học sinh biết điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 chứ không phải 20% là dành cho tất cả các phương thức xét tuyển khác với xet tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Theo đó, 20% chỉ tiêu dành cho đợt xét tuyển sớm, 80% còn lại dành cho đợt xét tuyển chung, bao gồm tất cả các phương thức xét tuyển./.