Hamas nhìn nhận tích cực về đề xuất ngừng bắn mới nhất
Thủ lĩnh chính trị của Hamas cho biết họ đang xem xét đề xuất thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza với "tinh thần tích cực," và sẽ sớm cử một phái đoàn đến Ai Cập để hoàn tất cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn.
Ngày 1/5, sau nhiều tháng đàm phán liên tục, lực lượng Hamas đã nhìn nhận tích cực về đề xuất ngừng bắn mới nhất, làm dấy lên hy vọng có thể sớm đạt thỏa thuận.
Thủ lĩnh chính trị của Hamas, ông Ismail Haniyeh cho biết họ đang xem xét đề xuất thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza với "tinh thần tích cực," và sẽ sớm cử một phái đoàn đến Ai Cập để hoàn tất các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn.
Một báo cáo của của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ước tính có thể mất 80 năm để xây dựng lại tất cả những ngôi nhà bị san phẳng trong suốt cuộc xung đột gần 7 tháng qua.
UNDP ước tính công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ tiêu tốn khoảng 30 đến 40 tỷ USD và đòi hỏi nỗ lực ở quy mô lớn chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc UNDP tại khu vực các quốc gia Arab, ông Abdallah al-Dardari cho biết: “Quy mô tàn phá là rất lớn và chưa từng có… Đây là sứ mệnh mà cộng đồng toàn cầu chưa từng thực hiện kể từ Thế chiến thứ Hai."
Ông kêu gọi các bên ngừng bắn khẩn cấp.
Đến nay, các nhà hòa giải mới đạt được một thỏa thuận duy nhất kéo dài một tuần vào tháng 11/2023, trong đó 105 con tin và 240 tù nhân Palestine đã được trả tự do. Israel ước tính còn 129 con tin đang bị giam giữ tại Gaza.
Hamas và Israel đã đám phán và bất đồng trong nhiều tháng qua về các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới. Hamas yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân, nhưng Israel từ chối.
Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Rafah dù có hay không có thỏa thuận ngừng bắn.
Theo thông tin chi tiết do Anh công bố, đề xuất ngừng bắn đang được xem xét bao gồm việc ngừng giao tranh trong 40 ngày và trao đổi con tin Israel lấy hàng nghìn tù nhân Palestine.
Trong chuyến thăm chớp nhoáng mới nhất tới Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Hamas chấp nhận điều mà ông gọi là một đề xuất "cực kỳ hào phóng" từ phía Israel.
Trong diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin, đã quyết định tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho quân nhân, dù ông khẳng định hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Hamas đang lên kế hoạch tấn công nào vào quân đội Mỹ ở Gaza.
Trong khi đó, ngày 3/5, hàng trăm người phản đối cuộc xung đột tại Gaza đã tập trung tại Đại học Sydney (Australia) yêu cầu trường này thoái vốn khỏi các công ty có quan hệ với Israel. Phong trào này lấy cảm hứng từ các các cuộc biểu tình của sinh viên tại Mỹ.
Các nhà hoạt động ủng hộ Palestine đã dựng trại vào tuần trước bên ngoài hội trường chính tại Đại học Sydney, một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn nhất của Australia. Các cuộc biểu tình cũng đã xuất hiện tại các trường đại học ở Melbourne, Canberra và các thành phố khác của Australia.
Tuy nhiên, không giống như ở Mỹ, các cuộc biểu tình ở Australia diễn ra tương đối hòa bình và không có nhiều cảnh sát phải tham gia giám sát.
Tại thủ đô Paris của Pháp, trường Đại học Sciences Po đã đóng cửa trong ngày 3/5 sau khi cuộc tranh luận giữa ban lãnh đạo viện và sinh viên về xung đột tại Gaza không giúp giảm căng thẳng, khiến những người biểu tình chiếm giữ trường qua đêm.
Trong khi đó, báo Los Angeles Times của Mỹ đưa tin cảnh sát đã bắt giữ hơn 200 người trong cuộc người biểu tình trước Đại học California, Los Angeles (UCLA_ phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza, đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Palestine./.