Hai phương án khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh Bộ Giao thông Vận tải đồng ý với phương án của Phú Thọ về công tác cứu hộ, khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu; cần đảm bảo vấn đề an toàn tìm kiếm cứu hộ.
Chiều 9/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác đã kiểm tra hiện trường sập cầu Phong Châu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Tại cuộc họp chỉ đạo sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải đồng ý với phương án của tỉnh Phú Thọ về công tác cứu hộ, khắc phục sự cố. Trước mắt, cần đảm bảo vấn đề an toàn tìm kiếm cứu hộ. Chỉ khi điều kiện thời tiết cho phép mới có thể triển khai tìm kiếm, cứu nạn.
Về đảm bảo giao thông có 2 phương án, trong đó một là sử dụng phà, hai là cầu phao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên đề xuất làm cầu phao cố định. Về lâu dài, chắc chắn phải làm cầu mới, không thể sửa chữa cầu cũ. Cầu Phong Châu là cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin thêm hiện người tham gia giao thông phần đông sử dụng Google Maps để dẫn đường. Vậy nên bên cạnh phân luồng giao thông, cơ quan chức năng cần phải cập nhật ngay thông tin trên hệ thống các phần mềm dẫn đường.
Theo báo cáo nhanh về sự cố của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7, làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) vào khoảng 10 giờ ngày 9/9.
Hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, chính quyền địa phương, lực lượng công an, quân đội và các đơn vị liên quan đang khẩn trương, tích cực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm giao thông, tổ chức phân luồng giao thông không đi qua khu vực cầu; bố trí cảnh báo cho người và phương tiện tham gia giao thông và thực hiện các công việc khác.
Hiện tại do mức nước sông lớn, dòng chảy xiết nên chưa thống kê, đánh giá cụ thể các thiệt hại. Theo theo thông tin sơ bộ ban đầu, 9 phương tiện bao gồm ôtô và xe máy đang tham gia giao thông trên cầu tại thời điểm xảy ra sự cố.
Liên quan đến sự cố này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành công điện khẩn về tập trung khắc phục sự cố cầu Phong Châu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ và các cơ quan, đơn vị có liên quan của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tham gia khắc phục sự cố; tổ chức tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương thực hiện việc thông báo, công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa theo quy định, tổ chức điều tiết đảm bảo giao thông thủy tại khu vực./.