Hải Phòng: Trưng bày ảnh "Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sỹ Hải quân"
Những tác phẩm ảnh sinh động này còn như một món quà tri ân những công lao to lớn của các thế hệ chiến sỹ, những người Bộ đội Cụ Hồ đã, đang tham gia xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ Quốc.
"Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sỹ Hải quân" là chủ đề cuộc trưng bày ảnh do Hội Nhà báo Hải Phòng phối hợp với Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hải Phòng tổ chức, ngày 10/6.
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) và kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Được sự quan tâm và cho phép của Cục Chính trị Quân chủng Hải quân, Hội Nhà báo Hải phòng đã cử 6 nghệ sỹ nhiếp ảnh là hội viên Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hải Phòng tham gia các đoàn công tác đi thăm, thâm nhập sáng tác về đề tài "Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sỹ Hải quân" tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI trong tháng 5/2023.
Sau chuyến đi, các nghệ sỹ nhiếp ảnh, hội viên Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hải Phòng đã có nhiều tác phẩm ảnh được đăng tải trên các phương tiện thông tin ở trung ương và địa phương, góp phần tuyên truyền hiệu quả về chủ đề "Hướng về biển đảo quê hương" do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo và phát động.
Những tác phẩm ảnh sinh động này còn như một món quà tri ân những công lao to lớn của các thế hệ chiến sỹ, những người Bộ đội Cụ Hồ đã, đang tham gia xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
[Người lính hải quân “cưỡi” sóng gió giữ bình yên biển đảo]
Anh Phạm Trung Đức, một trong số nghệ sỹ nhiếp ảnh tham gia chuyến công tác tại Trường Sa vừa qua chia sẻ đối với mỗi người dân Việt Nam được đến thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI nói chung và đặc biệt là được tác nghiệp chụp ảnh ở Trường Sa luôn là niềm ao ước một lần trong đời. Hành trình đến với mỗi hòn đảo ở Trường Sa ai cũng đều có cảm xúc đặc biệt mà tác nghiệp ở đất liền không ai có.
Đến với Trường Sa là cơ hội để anh Phạm Trung Đức và các thành viên đoàn công tác được tiếp xúc với quân và dân Trường Sa, được phản ánh cuộc sống, tinh thần các chiến sỹ ở nơi đảo xa qua ống kính nhiếp ảnh. Mỗi một nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh khi được thấy những hình ảnh như vậy đều hết sức xúc động. Vì giữa nơi đảo xa, nơi nghìn trùng sóng vỗ nhưng mọi người vẫn đoàn kết, tạo nên không khí ấm cúng tình thân, dù còn nhiều khó khăn.
Để có được những bức ảnh tư liệu quý giá về Trường Sa, Nhà giàn DKI là cả một sự kỳ công với công sức lao động vất vả, khó khăn. Song, với tình yêu quê hương, yêu biển đảo, bản thân anh Phạm Trung Đức cũng như mỗi một nhà báo khi đến với các đảo đều cố gắng thể hiện tốt nhiệm vụ ghi lại những tấm ảnh đẹp để mang về đất liền tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa về ý chí kiên cường, những hy sinh gian khổ của nhân dân và cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú cho biết thời gian qua, Hội Nhà báo Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ do Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo và hướng dẫn.
Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức trao các ấn phẩm báo Tết và những phần quà tặng quân, dân tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cát Hải, quận Đồ Sơn, Lữ đoàn 147 Hải quân; huy động kinh phí tặng các gia đình nạn nhân chất độc da cam dioxin tại huyện Tiên Lãng; phối hợp với Ban Liên lạc Hội truyền thống Bộ đội Trường Sa (Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) tổ chức chương trình Giao lưu Ký ức Trường Sa - Hướng về biển đảo quê hương; phối hợp với Quân chủng Hải quân tạo điều kiện cho các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tại thành phố Hải Phòng tham gia các đoàn công tác của Trung ương và thành phố Hải Phòng ra thăm và tuyên truyền cổ vũ, lan tỏa hình ảnh đẹp của những người lính nơi biên cương Tổ quốc./.