Hải Phòng: Khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận

Cầu Nguyễn Trãi gồm 4 làn xe cơ giới, được thiết kế là cầu dây văng, phần cầu có chiều dài gần 1.500m, riêng nhịp giữa rộng 300m, rộng nhất so với các cây cầu trên địa bàn Hải Phòng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 18/12, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố trong năm 2024. Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Cầu Nguyễn Trãi là cây cầu thứ 6 của thành phố bắc qua sông Cấm, sau cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Máy Chai và cầu Bạch Đằng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng sau khi Hải Phòng được Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng.

Dự án được khởi công đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và chuẩn bị đón năm mới 2025.

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, thành phố hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm. Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, góp phần kết nối hạ tầng giao thông, thiết thực chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị, khai thác hiệu quả các quỹ đất có giá trị hai bên bờ sông Cấm của thành phố.

Dự án cầu Nguyễn Trãi thuộc dự án nhóm A, là công trình giao thông cấp đặc biệt, có tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó xây lắp hơn 4.200 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.000 tỷ đồng.

Diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu và đường dẫn hơn 21 ha, ngoài ra còn thu hồi thêm vùng phụ cận với diện tích hơn 43 ha để chỉnh trang đô thị.

Cầu Nguyễn Trãi gồm 4 làn xe cơ giới, được thiết kế là cầu dây văng, phần cầu có chiều dài gần 1.500m, riêng nhịp giữa rộng 300m, rộng nhất so với các cây cầu trên địa bàn Hải Phòng, hai trụ tháp cao 111m tạo thành hai cánh buồm vươn khơi, thể hiện khát vọng của thành phố là "vươn ra biển lớn".

Phần nút giao kết nối với đường Lê Thánh Tông có kiến trúc hiện đại; đường Nguyễn Trãi được mở rộng từ 18,0m lên 50,5m, kết nối với tuyến đường Lê Hồng Phong và sân bay quốc tế Cát Bi.

Dự án khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp xây dựng trục kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp VSIP, Tam Hưng-Ngũ Lão, Thủy Nguyên...

Dự án cũng góp phần liên kết Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của thành phố tại khu vực Bắc sông Cấm, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực thành phố Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung, cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố lân cận. Qua đó, tạo điều kiện cho thu hút đầu tư FDI thông qua việc kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 10, Quốc lộ 18...

Để dự án được thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng đề nghị các nhà thầu thi công tập trung nhân lực và vật lực để xây dựng công trình có kỹ thuật và có mỹ thuật, đặc biệt là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về lao động; giảm thời gian thi công so với hợp đồng đã ký kết. Phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2027.

Các sở, ban, ngành thành phố và quận Ngô Quyền tạo điều kiện tốt nhất và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công công trình, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công./.