Hà Tĩnh: Nhiều hồ, đập có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa

Tỉnh Hà Tĩnh có 130 hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; trong đó có 51 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023.

Công trình hồ chứa nước Đập Trạng, Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Sau nhiều năm vận hành, khai thác, hàng loạt công trình hồ đập tại tỉnh Hà Tĩnh đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, xảy ra sự cố rất cao trong mùa mưa lũ.

Nhiều hồ, đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Công trình hồ chứa nước Đập Trạng, ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê có dung tích 1,3 triệu m3, được đưa vào sử dụng từ năm 1986. Sau nhiều năm khai thác, phần đập tràn của công trình này đã xuống cấp, nhiều vị trí bị thấm, nứt. Đặc biệt, có những vị nước rò rỉ chảy thành dòng.

Phần thân đập đã bắt đầu xuất hiện các vị trí bị thấm nước sau mùa mưa lũ năm 2022. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm thì khi đất ở thân đập đã ngấm nước sẽ bị nhão thành bùn, nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập là rất lớn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hồ, đập chứa nước trên địa bàn huyện Hương Khê.

Ông Nguyễn Văn Anh, Phòng Quản lý Khai thác, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, thông tin trải qua thời gian dài và do ảnh hưởng của thiên tai, công trình hồ Đập Trạng đã xuống cấp nghiêm trọng. Nếu sự cố xảy ra sẽ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân vùng hạ du.

Hiện công ty đang quản lý 22 hồ đập trên địa bàn huyện Hương Khê. Nhiều hồ đập khác cũng xuất hiện tình trạng hư hỏng, các tiêu chí kỹ thuật không còn phù hợp.

Hồ chứa nước Cu Lây ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc có dung tích thiết kế 13 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho khoảng 1.300ha đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hồ còn có nhiệm vụ cung cấp khoảng 7.000 m3 nước/ngày cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt và giảm lũ vùng hạ du, cải thiện môi trường sinh thái trong vùng.

Sau hàng chục năm khai thác, sử dụng, dưới tác động của thiên tai, bão lũ, hồ chứa nước Cu Lây đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mái hạ lưu thân đập nhiều vùng bị thấm nước; tràn xả lũ và kênh dẫn hạ lưu bị xói lở, sụt lún, bong tróc; tường bêtông ốp tràn gãy đổ từng mảng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, nhất là trong mùa mưa lũ.

“Nếu không kịp thời sửa chữa, khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ kênh dẫn phía sau tràn xả lũ tiếp tục xói lở, ăn sâu vào vùng đất rừng của người dân. Tường bêtông ốp tràn có thể đổ sập xuống, gây nguy cơ mất an toàn cho công trình hồ chứa nước. Công ty có những giải pháp trước mắt như thường xuyên đi kiểm tra diễn biến an toàn của công trình, cho phát quang các mái thượng lưu, hạ lưu đập, đào rãnh, khơi thông rãnh thoát nước của mái đập. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng xuống cấp của tràn xả lũ, công ty đã đề xuất các cấp có thẩm quyền bố trí, hỗ trợ nguồn vốn để sửa chữa, khắc phục," ông Phạm Thanh Nam - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết.

Thiếu nguồn lực để sửa chữa

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh được giao quản lý 33 hồ chứa, 4 đập dâng, trong đó có 11 công trình hiện đã bị hư hỏng. Thời gian qua, công ty đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh cấp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình xuống cấp, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn chưa được bố trí.

[Quảng Trị huy động nguồn vốn đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa bão]

Ông Đặng Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý khai thác Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, cho biết nguồn thu từ thủy lợi phí hằng năm còn thấp nên không đủ chỉ phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập xung yếu. Riêng công trình hồ chứa nước Đập Trạng, công ty đã đưa ra 2 phương án giải quyết, nếu xử lý trước mắt sẽ cần khoảng 6 tỷ đồng, còn để đảm bảo về lâu dài cần đến 13 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước hiện nay, công ty còn nhiều nội dung chưa thực hiện được như việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn hay kiểm định an toàn đập… Để thực hiện những nội dung này, công ty đã dự trù kinh phí hơn 145 tỷ đồng nhưng do không có kinh phí nên đơn vị đang đề nghị tỉnh Hà Tĩnh xem xét, bố trí.

Kênh dẫn hạ lưu của công trình hồ chứa nước Cu Lây-Trường Lão (Can Lộc, Hà Tĩnh) bị xói lở, sụt lún. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý 26 đập dâng, hồ chứa nước trên địa bàn 8 huyện, thị xã. Theo đánh giá, đến nay, có 2 hồ tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn là hồ Cu Lây và hồ Đá Bạc.

Ông Phạm Thanh Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thông tin thêm: “Để sửa chữa các hồ chứa xuống cấp cần nguồn kinh phí lớn. Trong khi đó, doanh thu hằng năm của công ty không thể đáp ứng, cân đối được. Do đó, khó khăn nhất trong sửa chữa, khắc phục hồ chứa vẫn là thiếu nguồn vốn đầu tư."

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 348 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước. Hằng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác đồng thời, góp phần cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá, tỉnh Hà Tĩnh có 130 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; trong đó có 51 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023.

Ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trong 51 hồ chứa xung yếu thì có 27 hồ cần tích nước hạn chế và 1 hồ tuyệt đối không được tích nước là hồ Cha Chạm, huyện Hương Khê.

Kênh dẫn hạ lưu của công trình hồ chứa nước Cu Lây-Trường Lão (Can Lộc, Hà Tĩnh) bị xói lở, sụt lún. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn.

Đối với các hộ dân sinh sống phía sau hạ lưu đập, tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát về số lượng nhà dân cần đi dời đến nơi an toàn nếu có sự cố xảy ra.

“Trong điều kiện ngân sách địa phương còn rất khó khăn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các hồ đập hư hỏng, xuống cấp đảm bảo an toàn; đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, mất an toàn cao. Về lâu dài, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Đề án An toàn đập và có lộ trình để đầu tư nâng cấp đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt là những tỉnh còn khó khăn như Hà Tĩnh," ông Trần Đức Thịnh cho biết thêm./.

Hữu Quyết (TTXVN/Vietnam+)