Hà Tĩnh: Giá cam cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây
Thời điểm này, những vườn cam ở Hà Tĩnh đang bước vào mùa thu hoạch. Sản lượng lớn cùng với giá bán tăng cao, từ 30.000-60.000 đồng/kg tùy loại, giúp nông dân có thu nhập ổn định.
Thời điểm này, những vườn cam ở Hà Tĩnh đang bước vào mùa thu hoạch. Sản lượng lớn cùng với giá bán tăng cao, từ 30.000-60.000 đồng/kg tùy loại, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Theo các nhà vườn, đây là mức giá cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây.
Những ngày này, gia đình bà Dương Thị Mai, thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc đang tất bật thu hái cam. Sau khi nhận đơn đặt hàng từ các thương lái và người mua lẻ, từ sáng sớm gia đình bà đã huy động hết nhân lực cắt cam để kịp giao cho khách hàng.
Bà Dương Thị Mai chia sẻ, trang trại cam của gia đình bà rộng hơn 4 ha trồng cam chanh, cam giòn các loại. Năm nay sản lượng cả vườn cam đạt khoảng 40 tấn. Nhờ quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại chế phẩm sinh học và bọc quả ngay từ đầu vụ nên cam có chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Hiện mới đầu vụ nhưng thương lái đã tới tận vườn mua cam chanh với giá 30.000 đồng/kg, cam giòn từ 50.000-60.000 đồng/kg. Năm nay, cam vừa được mùa, lại được giá, đây là mức giá cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Dự kiến năm nay doanh thu của gia đình bà đạt khoảng 1,2 tỷ đồng.
Còn tại vườn cam của gia đình bà Phan Thị Hiền, thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc cũng đang đang đón nhiều thương lái vào mua hàng. Với gần 2.000 gốc cam giòn và cam chanh, mỗi vụ, vườn cam này cho sản lượng 40-50 tấn cam xuất ra thị trường.
Bà Phan Thị Hiền cho hay, gia đình trồng cam theo hướng VietGAP và được chứng nhận sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019. Hiện nay, giống cam giòn là loại sản phẩm được khách hàng ưa chuộng vì ngon hơn các loại khác. Việc tiêu thụ cam khá thuận lợi, ngoài bán lẻ thì các thương lái cũng đến tận vườn để thu mua.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Lộc Nguyễn Xuân Diệu, cam được trồng chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Sơn Bình, Nam Phong, Đông Phong… Năm nay sản lượng cam toàn xã đạt hơn 1.800 tấn, cho giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng.
Cây cam vì thế trở thành cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo, mang lại thu nhập khá. Thời gian tới xã tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng giống cam giòn để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tại huyện Hương Khê, hiện có diện tích trồng cam đạt khoảng 2.000 ha, tập trung ở các xã như Hương Đô, Hương Thủy, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Giang. Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc tốt, cam đạt chất lượng cao nên được khách hàng ưa chuộng, có sức tiêu thụ tốt trên thị trường trong nhiều năm qua.
Bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thảo Vân, xã Phúc Trạch cho biết, với quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cam được bọc kỹ từng quả nên mẫu mã đẹp, ngọt thơm. Vì vậy, cam được khách hàng rất ưa chuộng.
Hiện nay, thông qua các nền tảng số, mạng xã hội, trang thương mại điện tử hợp tác xã đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có nhiều chương trình giúp bà con trồng cam tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 7.300 ha cam; trong đó, có hơn 6.100 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt gần 70.000 tấn/năm. Đến nay, đã có 115 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 680 ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ gần 80 ha. Tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam.
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tỉnh đã xúc tiến, tổ chức nhiều hoạt động như hội chợ, lễ hội nhằm quảng bá, tôn vinh thương hiệu cam và các sản phẩm đặc sản của tỉnh đến với người tiêu dùng.
Từ đó, hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để các doanh nghiệp gặp gỡ nhà phân phối nhằm liên kết, hợp tác đầu tư và tiêu thụ.
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; bán và quảng bá livestream trên các sàn thương mại điện tử để nâng cao cái giá trị cũng như giảm giá thành trong quá trình phân phối.
Bên cạnh đó, ngành công thương cũng hỗ trợ các cơ sở sản xuất cam về thiết kế bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng; đào tạo về công tác nghiệp vụ bán hàng, quảng bá sản phẩm./.