Hạ tầng giao thông đột phá thu hút nhà đầu tư rót vốn vào Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ vào sự đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông.

Cầu Bình Minh bắc qua vịnh Cửa Lục có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Với việc hàng loạt các dự án giao thông được đầu tư đồng bộ, đây chính là tiền đề thu hút các nhà đầu tư, kéo theo kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua.

Đầu tư đồng bộ hạ tầng

Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng đã trực tiếp góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh và thúc đẩy liên kết vùng.

Cụ thể, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã sở hữu 6.300km đường bộ. Trong đó, có tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái dài 176km, 7 tuyến quốc lộ, 14 tuyến tỉnh lộ. Đặc biệt, cao tốc cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái chính là trục giao thông xương sống của tỉnh Quảng Ninh khi kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và phát huy công năng của Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn.

Xác định hạ tầng giao thông là bệ phóng, mở ra không gian phát triển, tạo ra các điều kiện mới cho phát triển kinh tế-xã hội, năm 2018, Quảng Ninh đã đồng loạt đưa vào khai thác cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long. Sau đó 4 năm, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái với chiều dài hơn 80km chính là mảnh ghép cuối cùng trong chuỗi cao tốc dọc tỉnh cũng đã được đưa vào vận hành, khai thác.

Cầu Bình Minh nối đôi bờ vịnh Cửa Lục, kết cấu 1 vòm thép, dài hơn 2,6km, gồm 6 làn xe. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngoài ra, các công trình cầu Tình Yêu (cầu Cửa Lục 1) bắc qua vịnh Cửa Lục, thành phố Hạ Long; đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Bến Rừng, cầu Bình Minh (cầu Cửa Lục 3)… cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn tỉnh.

“Những đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông chính là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp," ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh khẳng định.

Rót vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ với những dự án trọng điểm, chiến lược.

Theo đó, năm 2024, Quảng Ninh dự kiến bố trí kế hoạch vốn đầu tư công gần 15.000 tỷ đồng để triển khai hàng trăm công trình giao thông vận tải như Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thành phố Đông Triều dài 40,25km; Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ nối với thành phố Hạ Long và tỉnh Lạng Sơn; Dự án đường nối cao tốc Vân Đồn-Móng Cái với cảng Vạn Ninh…

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đang phối hợp với thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đầu tư, kiến tạo một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022-2025 như: tuyến nối Quốc lộ 18 và đường tốc độ cao ven sông thành phố Đông Triều-Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); trục giao thông kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với thành phố Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (thành phố Hải Phòng).

Tuyến đường chạy qua nhiều công trình văn hóa nghìn tỉ khác của Hạ Long như Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh; Cung quy hoạch hội chợ, triển lãm, văn hóa Quảng Ninh; Quảng trường 30.10... (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh bám sát định hướng quy hoạch cấp quốc gia để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…); nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị) gắn với các hành lang phát triển kinh tế (hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh).

“Quảng Ninh xác định việc đầu tư có trọng điểm vào các dự án giao thông không chỉ là động lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, mà còn tạo nên sự kết nối đồng bộ, chặt chẽ, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn cho địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ,” ông Minh nhấn mạnh./.