Hà Nội xây dựng lộ trình chuyển đổi sử dụng xe buýt điện đạt 100% vào năm 2035
Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2031-2035 là 238 xe. Dự kiến đến 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Quyết định số 6004/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố."
Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, đồng thời, đề xuất đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ phương tiện sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2035.
Về phương án chuyển đổi, căn cứ vào đề xuất của các đơn vị vận tải và chấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố, trong đầu năm 2025, 04 đơn vị vận tải (Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe (11 xe buýt nhỏ, 65 xe trung bình) để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Ngoài ra, đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn do đã có định mức đơn giá xe buýt điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số xe dự kiến là 27 xe). Tổng số 46 phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, dự kiến thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến.
Số lượng phương tiện chuyển đổi dựa trên các chỉ tiêu khai thác hiện tại của tuyến và phạm vi hoạt động trong ngày của các chủng loại xe buýt điện hiện có trên thị trường. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2031-2035 là 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Tại Đề án này, Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc thực hiện Đề án; Trên cơ sở Đề án được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Xây dựng và phê duyệt kế hoạch cụ thể hóa lộ trình, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh năm tiếp theo trước ngày 31/7 hàng năm.
Sở Giao thông vận tải cũng được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh còn thiếu trên cơ sở đề xuất thí điểm đặt hàng một số tuyến buýt đang hoạt động hoặc mở mới khi đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng và tổ chức triển khai Đề án giao thông thông minh trong thành phố thông minh và Đề án hệ thống vé điện tử liên thông áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thống nhất cho các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố.
Thành phố giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và xác định nhu cầu sử dụng đất của các trạm sạc điện cho các phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; Phối hợp với các sở, ban, ngành để phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh tại địa phương.
“Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải để chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc chuyển đổi phương tiện đang khai thác cũng như đầu tư mới phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo đáp ứng được mục tiêu, lộ trình chung đã được nêu trong Đề án,” quyết định nêu rõ./.