Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức giải ngân vốn đầu tư công dưới 15%
Bộ Tài chính cho biết hiện tại có 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, thậm chí có nơi ghi nhận tỷ lệ giải ngân 0%.
Bộ Tài chính thông tin cho biết nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cụ thể, vốn đầu tư công giải ngân đến cuối tháng 6/2024 ước đạt 196.669 tỷ đồng, bằng 27,5% kế hoạch và tương ứng 29,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, 12 bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương ghi nhận tỷ lệ ước giải ngân cao hơn mức bình quân chung. Đáng lưu ý, số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt 78% kế hoạch. Đặc biệt, các bộ, cơ quan Trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân lên tới 99,58% (riêng Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho hay đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương thực hiện giải ngân thấp hơn mức bình quân chung. Hơn nữa, một số bộ, cơ quan trung ương triển khai giải ngân rất thấp, thậm chí tỷ lệ giải ngân là 0% (như: Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội,…). Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% là do chưa phân bổ kế hoạch vốn.
Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên.
Nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ Tài chính chỉ ra một số vướng mắc chủ yếu về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu xây dựng… đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Với thực tiễn đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định./.