Hà Nội thí điểm tuyến vận tải mới: Liệu có phá vỡ quy hoạch luồng tuyến?

Hà Nội đã đồng ý cho thí điểm một tuyến vận tải mới từ Lào Cai về bến xe Thủ đô và sẽ xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp vận tải không thực hiện theo đúng cam kết về lộ trình và khung giờ hoạt động.

Doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hành khách liên tỉnh hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước vấn đề Hà Nội chấp thuận thí điểm tuyến vận tải mới từ Bến xe Lào Cai, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) về Bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm (Hà Nội), nhiều ý kiến lo ngại có thể phá vỡ quy hoạch luồng tuyến và các doanh nghiệp vận tải “trăm hoa đua nở” xin thí điểm.

Không cho chạy xuyên tâm thành phố

Tại buổi tọa đàm “Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?" do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 6/12, theo ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sau 8 năm triển khai quy định sắp xếp luồng tuyến vận tải, tình hình trật tự an toàn giao thông đã tốt hơn.

“Hà Nội muốn điều chuyển luồng tuyến vận tải để giảm ùn tắc giao thông và cơ bản đã đạt được mục đích, việc sắp xếp các bến xe để đảm bảo sự ổn định của các doanh nghiệp vận tải và sắp xếp các hướng tuyến để ưu tiên cho người dân đi lại ổn định,” ông Tuyển đánh giá.

Cụ thể, các tuyến đi các tỉnh Tây Bắc, phía Nam sẽ vào Bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi cầu Thăng Long vào Bến xe Mỹ Đình, các tuyến đi Quốc lộ 1A vào Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm.

Đề cập về việc một doanh nghiệp xin thí điểm Bến xe Lào Cai, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) về Bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm (Hà Nội), theo ông Thủy, doanh nghiệp đề xuất các tuyến này sẽ không khai thác vào khung giờ cao điểm (tức từ 6-9h và từ 16-19h30). Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp vận hành, khai thác tuyến này sau 19h30.

“Tuyến vận tải do doanh nghiệp đề xuất chủ yếu hoạt động theo đường cao tốc và vành đai, không đi xuyên tâm vào thành phố. Tuyến mới này đi theo hướng cầu Thanh Trì, bởi thực tế cầu Thanh Trì hiện nay vẫn có tuyến vào Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Việc tổ chức hoàn toàn phù hợp với tổ chức giao thông, không chạy xuyên tâm,” ông Tuyển khẳng định.

Hành khách xuống xe tại Bến xe Giáp Bát. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng cần chú trọng thời gian thí điểm là bao lâu; cần 6 tháng hay một năm, việc tổng kết, rút kinh nghiệm thế nào?

Với tuyến Sa Pa hiện mới có một doanh nghiệp vận tải đề nghị thí điểm, ông Hoa đặt ra câu hỏi: “Tới đây có doanh nghiệp ở các tỉnh tiếp tục đề nghị thí điểm thì có chấp thuận hay không? Cơ quan Nhà nước quản lý thế nào? đó đều là những vấn đề cần nhận diện, nghiên cứu sớm.”

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nhìn nhận việc mở các tuyến với mục tiêu đảm bảo quyền đi lại thuận lợi, an toàn, hiệu quả của người dân, nếu có sự nghiên cứu, đánh giá các yếu tố và sự đồng thuận của cơ quan chức năng, việc mở tuyến vận tải mới là rất tốt.

“Riêng với Sa Pa, đây là trung tâm du lịch, nếu chỉ có một tuyến vận tải phục vụ sẽ khó đáp ứng vấn đề thời gian. Việc mở thêm một tuyến vận tải mới với chi phí hợp lý được nhiều người ủng hộ để mạng lưới vận tải có thêm sự đột phá và thêm các tuyến vận tải năng động,” ông Thủy nói.

Có lo ngại “trăm hoa đua nở”?

Giải đáp trước thắc mắc các đơn vị vận tải khác cũng đề nghị xin thí điểm có phá vỡ luồng tuyền theo quy hoạch hay không, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định khi làm thí điểm sẽ phải cân nhắc, lựa chọn, khó có thể đại trà.

Đối với các tuyến vận tải liên tỉnh, khi đăng ký tham gia, trên cơ sở quy hoạch được 2 địa phương thống nhất báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị đủ điều kiện sẽ đăng ký tham gia trên cổng dịch vụ công điện tử trên nguyên tắc ai đăng ký tham gia trước sẽ được công nhận trước.

Khi cân nhắc đề xuất thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu phải hội tụ đủ yếu tố phù hợp công tác tổ chức giao thông của thành phố, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông. Sở sẽ phối hợp với địa phương để đánh giá số lượng phương tiện, làm một cách khoa học, tránh trường hợp thí điểm ào ào, có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự. Tuy nhiên, mỗi tuyến cần phải có tối thiểu 2 đơn vị tham gia, tránh trường hợp một đơn vị độc quyền.

“Khi làm thí điểm, phải có thời gian thực hiện nhất định khoảng 6 tháng đến một năm. Trong thời gian đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chạy xuyên tâm, hay đi vào giờ cao điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ yêu cầu dừng thí điểm ngay lập tức,” ông Tuyển quả quyết.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Góp ý thêm, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần rà soát lại công suất của các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, để nếu có đơn vị khác xin thí điểm sẽ đáp ứng được thêm bao nhiêu chuyến; việc thí điểm phải có cách quản lý khác thế nào so với bình thường.

“Cơ quan quản lý Nhà nước phải có giám sát thường xuyên, xem doanh nghiệp có chạy đúng biểu đồ, đúng tuyến không? Nếu vi phạm phải cho dừng ngay đồng thời quyết liệt xử lý các đơn vị vận tải khác hoạt động ‘trá hình’ khi có thí điểm này,” ông Thủy bày tỏ quan điểm./.