Hà Nội: Thầy trò căng sức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Sau khi có kết quả khảo sát khá thấp, thầy và trò các trường trung học phổ thông ở Hà Nội đang nỗ lực tận dụng hai tháng còn lại để ôn thi hiệu quả.
Phân nhóm học sinh, tăng cường tự học là giải pháp đang được các nhà trường triển khai để ôn tập cho học sinh khối 12 sau khi Hà Nội công bố kết quả khảo sát với gần 1/3 tổng số bài thi có điểm dưới trung bình, nhất là khi chỉ còn khoảng hai tháng nữa Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ diễn ra.
Phân nhóm học sinh, tận dụng phần mềm
Theo kết quả khảo sát, Trường Trung học phổ thông Xuân Phương có kết quả trung bình chung cả khối 11, 12 là 6,13 điểm, xếp thứ 72 trên tổng số hơn 200 trường.
Theo thầy Hiệu trưởng Đoàn Minh Châu, với đầu vào ở mức trung bình của thành phố, kết quả khảo sát này đã đánh giá đúng năng lực học sinh của trường. Thầy Châu nhận định đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao hơn. Đặc biệt là sự xuất hiện của các dạng câu hỏi trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn với cách tính điểm mới khiến học sinh dễ bị “rơi” điểm.
Để giúp học sinh cải thiện điểm số, bên cạnh tận dụng tối đa thời gian học trên lớp, Trường Trung học phổ thông Xuân Phương yêu cầu giáo viên bám sát cấu trúc đề thi, tăng cường giao bài tập về nhà để học sinh nắm vững các dạng bài, phát hiện những lỗ hổng kiến thức của các em để bổ sung kịp thời. Thầy cô tận dụng các phần mềm ôn tập để hỗ trợ học sinh tự học ở nhà và nhắc nhở các em theo dõi, học theo chương trình ôn tập cho học sinh khối 12 vào các buổi tối thứu Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai trên Đài Truyền hình Hà Nội.
Theo thầy Châu, trong bối cảnh các trường thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với quy định không ôn tập quá 2 tiết mỗi tuần cho mỗi môn, việc tự học của học sinh có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhưng năng lực của các học sinh là khác nhau. Vì vậy, nhà trường vẫn có kế hoạch ôn tập cho các em từ giờ đến lúc thi.

Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Tân Lập, thầy Hiệu trưởng Lý Đức Kim cho hay sau khi có kết quả khảo sát, trường đã họp các giáo viên khối 12 để tìm giải pháp ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất.
“Chúng tôi sẽ phân nhóm học sinh theo năng lực và theo nhu cầu để có kế hoạch, chương trình ôn tập phù hợp,” thầy Kim nói.
Thầy Kim cho hay trường có khoảng 60% học sinh trong khoảng 5-6 điểm. Với nhóm học sinh này, trường đặt mục tiêu giúp các em nâng lên 7-8 điểm. Nhóm học sinh đạt từ 3 điểm trở xuống chiếm khoảng 10%. Với nhóm này, trường sẽ hỗ trợ các em đạt 5-6 điểm trong kỳ thi tới.
Chia sẻ cụ thể hơn, cô Lê Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường Trung học phổ thông Tân Lập cho hay với học sinh yếu kém, nhà trường tổ chức các lớp học riêng, phân công các giáo viên có kinh nghiệm hỗ trợ kịp thời. Thầy cô cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc ôn tập tại nhà của học sinh, cung cấp tài liệu hướng dẫn các em tự học, mở thêm kênh tương tác, hỗ trợ.
Học sinh nỗ lực ôn tập, rèn tâm lý thi
Thầy cô hết sức hỗ trợ, học trò cũng căng sức ôn thi. Nguyễn Mạnh Khang, học sinh lớp 12D3, Trường Trung học phổ thông Tân Lập cho hay em chọn thi các môn Tiếng Anh, Lịch sử bên cạnh 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn.
Khang cho hay em khá lo lắng khi kết quả khảo sát môn Toán và Văn của em được 6 điểm, sát mức trung bình và hơi thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, kỳ thi cũng giúp em nhận ra các điểm yếu của mình để điều chỉnh trong việc học.

“Em sẽ lên kế hoạch ôn tập cho từng môn. Môn Toán, em phải ôn kỹ thêm kiến thức cơ bản. Môn Văn cần tăng cường làm đề để cải thiện khả năng diễn đạt, đọc nhiều hơn để có thêm dẫn chứng đa dạng hơn cho các câu hỏi nghị luận xã hội. Với Tiếng Anh, em phải học từ mới nhiều hơn để cải thiện điểm số,” Khang nói.
Cần cố gắng nhiều hơn cũng là chia sẻ của Nguyễn Ngọc Linh, lớp 12A3, Trường Trung học phổ thông Tân Lập sau khi nhận kết quả thi.
“Em được 7,75 điểm môn Vật lý. Sau khi thi em thấy mình cần phải bình tĩnh hơn, đọc đề kỹ hơn vì đề thi khá lắt léo, cần rèn kỹ năng làm bài tốt hơn vì đề có nhiều câu hỏi gắn với thực tiễn. Em cũng giảm bớt thời gian dành cho điện thoại hay các mối quan tâm khác để tập trung cho việc học,” Linh nói.
Đề thi có nhiều dạng bài gắn với thực tiễn và phải chú ý ôn tập kỹ hơn với các dạng bài này, mở rộng thêm kiến thức bên ngoài cũng là chia sẻ của Trần Tiến Long, lớp 12A4, Trường Trung học phổ thông Xuân Phương.
Long cũng cho hay mình có nhiều lỗi sai vặt, mất điểm không đáng có, như việc tô nhầm mã đề, tẩy xóa không sạch sẽ làm máy tính có thể chấm sai, hay việc làm bài chưa thật cẩn thận.
“Kỳ thi khảo sát giúp em nhận ra các thiếu sót và thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa trong kỳ thi sắp tới để có kết quả tốt hơn, phải luôn giữ được bình tĩnh trong phòng thi và phải cẩn thận hơn, nỗ lực hơn,” Long nói./.