Hà Nội tăng hiệu quả xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 6/12, thành phố Hà Nội thu hút 2,85 tỷ USD vốn FDI tăng 61%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 29/12, tại hội nghị tổng kết công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao sự phối hợp của các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, hiệp hội, doanh nghiệp…trong tổ chức các chương trình xúc tiến, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố Hà Nội trong năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, do đó, thành phố Hà Nội luôn xác định tinh thần là “đầu tàu” của cả nước, đưa ra các mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể theo từng giai đoạn, đặt “nền móng” là sản xuất để tạo ra của cải của xã hội, từ đó thúc đẩy cơ cấu dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch…
Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chú trọng nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Lưu ý công tác đối ngoại đòi hỏi chuyên môn, chuyên sâu về mặt kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn thận về mặt hậu cần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng công tác đối ngoại còn thực sự là “cầu nối” phát triển kinh tế, để mời gọi các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài về với Thủ đô Hà Nội.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội là đơn vị sự nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố. Trung tâm chính là “cánh tay nối dài” của các sở, ngành thành phố.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến năm 2024 và các năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yều cầu Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ hơn với Sở Kế hoạch và Đầu tư về xúc tiến đầu tư, phối hợp với Sở Du lịch về xúc tiến du lịch...; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thẩm thấu, phát huy hiệu quả.
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu các sở, ngành cần trách nhiệm tham mưu cho thành phố về kịch bản phát triển, thu hút xúc tiến trong năm 2024.
Ngoài ra, các sở, ngành cần rà soát kỹ các nội dung trọng tâm, trọng điểm, các sự kiện tổ chức của cấp thành phố cần tổ chức có quy mô, ít nhưng chất lượng; phối hợp cùng các địa phương, hướng về cơ sở quận, huyện, thị xã để tạo mọi điều kiện cho người dân được thụ hưởng và các làng nghề được trực tiếp tham gia vào các hoạt động của thành phố.
Đồng quan điểm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội đã góp phần kiến tạo nên vai trò kết nối xúc tiến thương mại của Hà Nội đối với khu vực và cả nước. Đặc biệt, khi Trung tâm là đầu mối triển khai công tác xúc tiến của thành phố trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch.
Một số chương trình xúc tiến đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Điển hình như Hội chợ Đặc sản Vùng Miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; Các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...
Trước những cơ hội và thách thức của bối cảnh trong nước và quốc tế, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đề xuất Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò trung tâm kết nối vùng, dẫn dắt hoạt động xúc tiến thương mại của cả miền Bắc, tiên phong triển khai các phương thức xúc tiến thương mại hiện đại, có sức lan tỏa cho các địa phương lân cận, cũng như góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên cả nước ở tầm quốc gia và vươn ra quốc tế.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 6/12, thành phố Hà Nội thu hút 2,85 tỷ USD vốn FDI (tăng 61% so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%.
Bước sang năm 2024, Trung tâm cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; tập trung vào các thị trường, quốc gia trọng điểm, các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vận dụng linh hoạt các chính sách, từng bước xây dựng môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư FDI nhằm tạo sự gắn kết giữa chính quyền, lãnh đạo các cấp với cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững, đồng hành với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2023./.