Hà Nội: Ra quân bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông tổ chức Lễ ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Các lực lượng Công an thành phố Hà Nội ra quân tại buổi lễ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông tổ chức Lễ ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội đầu Xuân 2025. Cao điểm được thực hiện từ ngày 15/12/2024-14/2/2025.

Phát biểu giao nhiệm vụ tại buổi lễ ra quân, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị tập trung cao nhất về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm này.

Trong đó, tập trung tham mưu với lãnh đạo Cục chỉ huy, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông trên tuyến quốc lộ 1A thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông; kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất số vụ ùn tắc giao thông, nhất là ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng đến sự đi lại của nhân dân...

Thượng tá Tô Quang Minh, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, trong đợt cao điểm, các đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó tập trung xử lý: người điều khiển xe có nồng độ cồn, chất ma túy; vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; xe “cơi nới” thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ; chở quá số người quy định; không nhường đường cho xe ưu tiên; xe môtô, xe thô sơ, người đi bộ vào cao tốc;...

Đối với xe kinh doanh vận tải, tập trung kiểm tra, xử lý thêm một số hành vi vi phạm, như điều khiển xe quá thời gian quy định; không gắn thiết bị giám sát hành trình, camera, hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động; dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện; không có hợp đồng vận chuyển, vận chuyển không đúng tuyến cố định,...

Trên các tuyến đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với ngành Đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, đoàn tàu, nhà ga trọng điểm được phân công phụ trách; các đường ngang, cầu chung, lối đi tự mở qua đường sắt; các khu đoạn đường sắt có nhiều điểm vi phạm hành lang an toàn, xảy ra nhiều tai nạn.

Lực lượng chức năng huy động và bố trí lực lượng tập trung xử lý nhân viên đường sắt, lái tàu vi phạm nồng độ cồn, ma túy; vi phạm quy trình tác nghiệp; người điều khiển phương tiện đường bộ qua đường ngang, lối đi tự mở không chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; dừng, đỗ, quay đầu xe trong phạm vi an toàn đường ngang, trường hợp kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn, ma túy thì phải xử lý theo quy định…

Kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm hành lang, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phải thông qua các biện pháp nghiệp vụ xác minh tại chỗ và gửi yêu cầu xác minh đến Công an cấp xã nơi người đó công tác, cư trú để làm rõ các nội dung liên quan phục vụ công tác xử lý và quản lý người vi phạm.

Trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm phải thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để phối hợp, xem xét, xử lý nghiêm theo quy định tại Chỉ thị 35/CT-TTg.

Trường hợp kiểm soát, phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, phải làm rõ về nhân thân, các hành vi sử dụng, tàng trữ, mua bán ma túy (nếu có).... Nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm phải thông báo cho các đơn vị nghiệp vụ để phối hợp giải quyết theo quy định.

Khi kiểm soát giấy tờ liên quan đến người điều khiển và phương tiện, Cảnh sát giao thông phải tra cứu trên môi trường điện tử và tra cứu trên các hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan để đối chiếu, xác định tình trạng, tính chất pháp lý của các loại giấy tờ.

Theo Thượng tá Tô Quang Minh, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải thực hiện triệt để, quyết liệt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, kết hợp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân; đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ và người tham gia giao thông.

Trên tuyến quốc lộ 1A, lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo mô hình liên tuyến, khép kín 24/24h, sử dụng ứng dụng di dộng hỗ trợ tuần tra, kiểm soát trên thiết bị di động cá nhân để hạn chế chồng chéo đối tượng kiểm soát.

Thay mặt cán bộ, chiến sỹ các Đội tham gia thực hiện cao điểm, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 3 hứa quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả cao điểm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện kế hoạch cao điểm đạt hiệu quả cao nhất; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, buôn bán vận chuyển pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hàng lậu, hàng cấm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông.../.