Hà Nội: Phát hiện, tạm giữ hàng trăm bánh Trung Thu không rõ nguồn gốc
Kiểm tra hàng hóa trên một phương tiện xe gắn máy đang dừng đỗ, bốc xếp tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, lực lượng chức năng của Hà Nội đã tạm giữ hàng trăm bánh Trung Thu không rõ nguồn gốc.
Lực lượng chức năng của Hà Nội vừa kiểm tra và tạm giữ nhiều bánh Trung Thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đó, triển khai Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu năm 2023, ngày 9/9, Đội Quản lý Thị trường số 9 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Tây Hồ tiến hành kiểm tra hàng hóa trên phương tiện xe máy do ông L.D.Đ thường trú tại xã Đăk Glao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông điều khiển dừng đỗ bốc xếp hàng hóa tại ngõ 15 An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
[Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra đồ chơi trẻ em, bánh Trung Thu]
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa trên xe có 808 chiếc bánh trung thu nhãn chữ nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.
Theo đại diện Đội Quản lý Thị trường số 9, ông Đ trình bày mua số hàng trên của một đối tượng không rõ lai lịch về để bán kiếm lợi nhuận, không có hóa đơn chứng từ, do vậy Đội đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định.
Trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên vừa ký ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023, kế hoạch này sẽ được triển khai từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9.
Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh Trung Thu.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm của toàn cộng đồng, đồng thời cập nhật và nắm chắc diễn biến thực tế, phát hiện kiểm tra và xử lý nghiêm minh, phản ánh chính xác và đề xuất trung thực có hiệu quả cho các ngành, các cấp về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm./.