Hà Nội phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, thúc đẩy văn hóa đọc
Với chủ đề thúc đẩy văn hóa đọc, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 của Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động như tổ chức hội sách, thành lập câu lạc bộ đọc sách, đổi mới thư viện trường học...
Sáng 2/10, tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.
Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời,” tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến 7/10.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho hay khái niệm "học tập suốt đời" và “xã hội học tập” được UNESCO công bố vào tháng 4/1996 và được thế giới thừa nhận như một triết lý của giáo dục thế kỷ XXI. Ngày nay, khái niệm này ngày càng được nhắc đến thường xuyên hơn và có mặt trong hầu hết các chiến lược, chính sách quốc gia về giáo dục của các nước trên thế giới.
Chủ trương xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời đã được Đảng xác định từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX: “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng nhiều hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập.”
Theo ông Cương, trong việc xây dựng xã hội học tập, không thể không nói đến việc đọc sách. Đây là một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được truyền lại qua hàng nghìn năm, kết tinh từ tri thức và cuộc sống. Đọc sách là cách học tốt nhất để tiếp thu nền văn hóa của thế giới, là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Đọc sách là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời, từ đó xây dựng thành công xã hội học tập.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc đọc sách đã không còn giới hạn ở những cuốn sách bằng giấy mà người đọc có thể tìm kiếm tri thức ở những cuốn sách điện tử. Việc lưu trữ không nhất thiết phải trên những chiếc giá sách cồng kềnh trong thư viện truyền thống mà có thể được lưu trữ trên không gian mạng, dễ dàng tìm kiếm và kết nối mọi quốc gia.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cũng cho hay theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Đây là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ.
Ông Cương cho rằng một phần nguyên nhân là do giới trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nên những nhu cầu giải trí, trong đó có đọc sách, bị hạn chế. Mặt khác, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc.
Theo đó, lễ khai mạc và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
“Tôi kêu gọi các cấp lãnh đạo, các tổ chức và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài cho đất nước, cho Thủ đô ngày càng thịnh vượng và phát triển bền vững,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.
Theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động được triển khai như tổ chức các hội sách; thành lập các câu lạc bộ đọc sách theo chủ đề, theo độ tuổi; tăng cường hoạt động thư viện trường học; giới thiệu và nhân rộng các mô hình thư viện trường học tiêu biểu; huy động tổ chức, cá nhân đầu tư tủ sách cho các nhà trường; tổ chức các lớp về kỹ năng, phương pháp đọc sách; đa dạng hoá dịch vụ thư viện như đẩy mạnh thư viện lưu động, tăng cường luân chuyển sách giữa các thư viện, đổi mới hoạt động thư viện.../.