Hà Nội: Phân cấp, giao quyền mạnh mẽ nhằm phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tới đây sẽ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở.
Ngày 4/5, tại buổi tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội vì Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế đặc thù vượt trội tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, trong đó cho phép Hà Nội đầu tư các dự án hạ tầng như đường cao tốc, cầu ... trong quy hoạch có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, các dự án liên tỉnh trong Vùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét cho ý kiến về Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng không gian xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định đúng như ý kiến đề nghị và mong muốn của cử tri và nhân dân, thời gian qua, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khơi dậy nguồn lực văn hóa, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển.
Theo Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Đảng bộ thành phố Hà Nội không chỉ là cấp ủy cấp tỉnh, thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm triển khai cụ thể hóa Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo quyết liệt ưu tiên đầu tư vào ba lĩnh vực, trong đó có văn hóa (cùng với y tế, giáo dục và đào tạo) với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch đến nay lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng.
Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai phát huy giá trị to lớn của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trọng tâm là tái hiện Điện Kính Thiên, công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử to lớn.
Nhờ quan tâm phát huy nguồn lực văn hóa, phát triển du lịch (cơ cấu dịch vụ đến nay chiếm tỷ trọng 64-66%), kinh tế Thủ đô luôn duy trì tăng trưởng tốt, liên tục là địa phương đứng đầu cả nước về thu nội địa.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng thu ngân sách Nhà nước thành phố đã đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 47-48% dự toán Trung ương giao.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chung trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy là luôn luôn đổi mới; đảng lãnh đạo toàn diện các mặt của đời sống xã hội; tới đây sẽ tiếp tục trên tinh thần đó, nhất là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở.
Mục tiêu quan trọng là thông qua đổi mới phải nâng cao được chất lượng công việc, giải quyết hiệu quả những đòi hỏi từ cuộc sống đặt ra, nhất là những vấn đề dân sinh bức xúc như nước sạch sinh hoạt, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, nêu ý kiến phản ánh với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đơn vị bầu cử số 1 đánh giá cao chương trình dự kiến và tầm quan trọng của Kỳ họp thứ 7, đặc biệt tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua những luật quan trọng như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Cử tri Nguyễn Văn Lộc (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho rằng các dự án luật được Quốc hội xem xét, quyết định thông qua kỳ này vừa có ý nghĩa chiến lược, vừa là giải pháp cấp bách trong sự phát triển nhanh chóng của đất nước.
Đồng quan điểm, cử tri Đào Thị Vân Hạnh (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho biết, cử tri rất quan tâm và mong muốn các luật được Quốc Hội xem xét thông qua sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân và yêu cầu quản lý xã hội của nhà nước.
Ngoài ra, cử tri Lê Thanh Huyến (phường Cống Vị, quận Ba Đình) nêu bốn nhóm nội dung góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, cử tri đề nghị cần tăng phí vệ sinh môi trường, có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi xả thải sai quy định, cho phép Hà Nội giữ lại 100% các khoản thu tiền từ sử dụng đất, tiền thu đất thuộc thẩm quyền quản ký của thành phố...
Trên cơ sở ý kiến của cử tri nêu Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội cũng như đề nghị các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan thành phố xem xét giải quyết.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đã báo cáo nhanh về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV và đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt báo cáo tổng hợp trả lời của các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri hai địa phương trong kỳ tiếp xúc trước./.