Hà Nội nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão, đảm bảo đời sống người dân
Với tinh thần trách nhiệm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đã giảm thiểu đến mức thấp nhất những hậu quả của cơn bão số 3, nhanh chóng đảm bảo đời sống của nhân dân.
Sau cơn bão số 3, mặc dù tại nhiều địa phương của Hà Nội vẫn đối mặt với khó khăn do hoa màu và chăn nuôi bị úng ngập, cùng đó việc đảm bảo vệ sinh môi trường… sẽ cần một khoảng thời gian nhất định, song với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của chính quyền các cấp, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã dần ổn định, giảm thiểu các thiệt hại do bão lũ gây ra.
Giảm thiểu thiệt hại do mưa bão
Trong đợt mưa bão vừa qua, một số thôn, xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội) bị ngập sâu, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Thống kê của Mỹ Đức cho thấy tính đến sáng 16/9, toàn huyện có khoảng 2.632 ha lúa bị đổ, ngập, trong đó, 1.838,7ha bị ảnh hưởng nặng; 360ha hoa màu bị ảnh hưởng, khoảng 25.300 cây ăn quả bị đổ, gãy; khoảng 98,2ha cây hàng năm bị đổ gãy; 7.250 cây bóng mát, cây lấy gỗ bị đổ, gãy; khoảng 9.675 con gia cầm bị chết do ngập chuồng; tràn trên 139,4ha nuôi trồng thủy sản; 114 chuồng trại bị đổ, sập, tốc mái…
Ngoài ra, do ảnh hưởng mưa bão còn gây hư hỏng một số trạm bơm; sập cống trạm bơm Tảo Khê, xã Bột Xuyên; sạt sụt 70m đê vùng 700 xã An Phú, sụt khoảng 50m taluy đê Quán Quốc, tràn các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…
Cũng theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, đến thời điểm trên vẫn còn 5 trường học học sinh chưa quay trở lại trường; 3.421 hộ bị nước tràn vào nhà; đã di dời 1.979 hộ vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn, trong đó, khoảng 600 hộ với 2.500 nhân khẩu xã An Phú; 300 hộ với trên 1.200 nhân khẩu xã Hợp Tiến và 774 hộ với 3.560 nhân khẩu xã Hợp Thanh đến nơi an toàn. Hiện, đã có 38 hộ phải di dời đã trở về nhà sinh hoạt bình thường.
Trước tình hình trên, các phòng, ban ngành, xã, thị trấn của huyện đã chủ động triển khai các hoạt động phòng, ngừa, ứng phó với bão, lũ. Đến 7h, ngày 16/9, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy Lợi Mỹ Đức đã vận hành 8 trạm bơm với 20 tổ mức, tổng lưu lượng 90.200m3 để tiêu úng. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị tập trung lực lượng khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do bão; chủ động ứng trực, chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ.”
Ngoài ra, các xã, thị trấn đã huy động trên 6.200 lượt người; 80 ôtô các loại, 18 máy xúc, 20 thuyền, khoảng trên 2.600m3 cát, trên 620m3 đất, trên 71.500 bao tải…. để khắc phục các sự cố trên các tuyến đê, trạm bơm, thu hoạch lúa Mùa cho dân… Huyện đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng thu hoạch lúa mùa đến ngày 16/9 là 1.072ha, đạt 15%.
“Huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục đảm bảo tuyệt đối tính mạng người dân, hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu; điều tiết, phân luồng giao thông kịp thời, đảm bảo an toàn các điểm úng ngập. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo Nhân dân thu hoạch lúa Mùa chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông 2024-2025 và khôi phục sản xuất ổn định đời sống sau mưa, bão úng,” đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức cho hay.
Còn tại huyện Chương Mỹ, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, vào hồi 6h30’ ngày 17/9 mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt và sông Đáy còn ở mức cao, các hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu vẫn vượt ngưỡng tràn. Dự kiến mức nước cao còn tiếp tục kéo dài nhiều ngày tới, tiềm ẩn rất nhiều phức tạp, có thể mất an toàn bất kỳ thời điểm nào.
Vì vậy, để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa bão, huyện Chương Mỹ đã kịp thời triển khai phương án đảm bảo đời sống, cứu trợ nhân dân, phương án hỗ trợ di dời nhân dân. Với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai ” ở khu vực nguy hiểm, chuẩn bị sẵn sàng nơi sơ tán dân và tài sản đến nơi an toàn, cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ đảm bảo đời sống nhân dân tại nơi sơ tán, đến nay, các xã trong vùng bị ngập úng đã tổ chức sơ tán 2.112 hộ với 8.860 nhân khẩu đến nơi an toàn, đồng thời tiếp tục rà soát, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Nước rút đến đâu, cấp điện đến đó
Trong khi đó, đợt lũ lụt vừa qua, huyện Ba Vì cũng huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản, thu hoạch mùa màng..., chính quyền, đoàn thể địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhà trường tổ chức chỗ ăn, ở miễn phí cho học sinh vùng ngập lụt.
Đáng chú ý, lực lượng Công an và thanh niên tình nguyện cũng đóng góp tích cực, giúp đỡ nông dân thu hoạch mùa màng, di dời tài sản, vật nuôi khỏi vùng bị ngập. Huyện đoàn Ba Vì thành lập Đội tình nguyện với 200 thành viên tập trung hỗ trợ người dân 2 xã: Vật Lại, Cổ Đô thu hoạch lúa, di dời tài sản... Đội Thanh tra giao thông huyện đã phối hợp với lực lượng địa phương phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân qua lại các khu vực bị ngập úng.
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, trong những ngày qua, lực lượng chức năng trên địa bàn đã nỗ lực cùng người dân vượt qua khó khăn. Nhờ đó, đã đảm bảo an toàn cho người dân và tránh được sự cố lớn về đê điều.
Có thể thấy, với tinh thần trách nhiệm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đã giảm thiểu đến mức thấp nhất những hậu quả của cơn bão số 3, từ đó nhanh chóng đảm bảo đời sống của nhân dân và an toàn cho các lĩnh vực xung yếu như đê điều, hệ thống điện.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết về cơ bản, tình hình cung ứng điện trên địa bàn Thủ đô đã được đảm bảo. Tại một số khu vực vùng trũng, ngoài đê, EVNHANOI sẽ tiếp tục bám sát tình hình úng ngập, bảo đảm an toàn vận hành thiết bị, an toàn điện trong nhân dân, sẵn sàng cấp điện trở lại khi nước rút.
Đặc biệt, tại một số khu vực vùng trũng thấp, ngoài đê thuộc các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn chịu ảnh hưởng lũ các sông, bị ngập sâu nên không đảm bảo an toàn cung cấp điện. Do vậy, EVNHANOI đã duy trì các lực lượng thường xuyên túc trực ngày đêm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để khẩn trương triển khai các giải pháp cung ứng điện an toàn với phương châm “Nước rút đến đâu-Cấp điện đến đó.”
Trong khi đó, đại diện Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho hay sau cơn bão số 3, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, trong các trường học và giải phóng các trục đường chính, tuyến đường đê liên thông đảm bảo giao thông thông suốt.
Đối với các cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, quý hiếm có giá trị kinh tế cao phối hợp Công ty Công viên cây xanh kiểm tra, đánh giá có thể chống dựng tại chỗ, trường hợp không thể chống dựng thì đề xuất thành phố di chuyển về vườn ươm để chăm sóc. Đến nay cơ bản các lực lượng của quận đã giải phóng toàn bộ địa bàn.
Về công tác vệ sinh môi trường chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm huy động toàn bộ nhân công, phương tiện vệ sinh tại các điểm ngập nước với phương châm "nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đấy," đồng thời vẫn đảm bảo phương án duy trì thu gom vận chuyển rác sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn không để tồn đọng, công tác duy trì vệ sinh môi trường sau bão được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Để bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã ngay khi nước rút tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ toàn bộ công trình, nhà ở, hệ thống hạ tầng ở những khu vực có địa hình thấp trũng, khu vực sát sông... vừa bị ngập lũ; trường hợp bảo đảm an toàn mới cho phép người dân quay trở lại sinh sống, đồng thời triển khai ngay công việc thu dọn, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh tại các khu vực vừa bị ngập lũ./.