Hà Nội: Hơn 160 bệnh viện tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa
Bốn bệnh viện tuyến trên và 157 bệnh viện tuyến dưới đã tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Sở Y tế Hà Nội đã thành lập mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa gồm 4 bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội), 157 bệnh viện tuyến dưới (13 bệnh viện tuyến thành phố, 15 bệnh viện tuyến huyện, 7 bệnh viện ngoài công lập, 19 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 103 bệnh viện và trung tâm y tế ngoài Hà Nội), góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Mạng lưới này đã đào tạo trực tuyến cập nhật kiến thức về hướng dẫn, chẩn đoán điều trị các bệnh chân tay miệng, Adenovirus, sốt xuất huyết... ngay khi Bộ Y tế ban hành.
[Khám chữa bệnh từ xa: Xóa nhòa khoảng cách chuyên môn giữa các tuyến]
Các bệnh viện tích cực triển khai văn bản chỉ đạo về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện, giám đốc bệnh viện, Sở Y tế tại nơi dễ thấy, dễ tiếp cận, giải quyết kịp thời ý kiến thắc mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bệnh.
Nhờ đó, kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng người bệnh cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú là 96,96%, ngoại trú là 95,97%.
Ngoài thành lập mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh trong toàn ngành tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, nội trú, đặc biệt là điều trị bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.
Trong 9 tháng năm 2023, các bệnh viện công lập trực thuộc ngành y tế Hà Nội đã tiếp nhận và khám, chữa bệnh cho hơn 6,6 triệu lượt người; nhiều kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật cao đã được các bệnh viện triển khai thực hiện.
Trong số những người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có gần 4,1 triệu lượt người khám, chữa sử dụng bảo hiểm y tế.
Sở Y tế thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Sở và Bảo hiểm Xã hội thành phố trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với cơ sở y tế.
Do đó giải quyết triệt để vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định, sử dụng hiệu quả quỹ Khám, Chữa bệnh Bảo hiểm Y tế.
Thời gian qua, Sở Y tế đã bổ sung thêm hai chuyên khoa đầu ngành về dược lâm sàng và giải phẫu bệnh, nâng tổng số chuyên khoa đầu ngành của ngành y tế lên 30.
Các bệnh viện hạng 1, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới cho bệnh viện tuyến dưới, sẵn sàng hỗ trợ nhân lực khi cần...
Sở Y tế định hướng, khuyến khích các chuyên khoa đầu ngành phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; tăng cường chỉ đạo tuyến, hướng dẫn bệnh viện tuyến dưới triển khai kỹ thuật mới tại bệnh viện.
Hiện, kỹ thuật ECMO đã được thực hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Để đánh giá sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú đối với ngành y tế Hà Nội, trong quý 3/2023, Sở Y tế Hà Nội đã tổng hợp số liệu từ 47 bệnh viện (21 bệnh viện công lập và 26 bệnh viện ngoài công lập) tham gia khảo sát, đánh giá về hài lòng người bệnh.
Kết quả cho thấy tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú là 96,96%, ngoại trú là 95,97%. Điểm trung bình hài lòng của bệnh nhân nội trú là 4,5 và ngoại trú là 4,44.
Theo Sở Y tế Hà Nội, việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú theo 5 nhóm tiêu chí: Khả năng tiếp cận; sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả cung cấp dịch vụ.
Đối tượng được lấy ý kiến là người bệnh nội trú hoặc người nhà người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện tại tất cả khoa lâm sàng; người bệnh ngoại trú/người nhà đến khám và điều trị tại bệnh viện, Trung tâm Y tế.
Các cơ sở y tế có thể thực hiện khảo sát định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý bằng việc lấy ý kiến tự nguyện, lựa chọn ngẫu nhiên, người bệnh tự điền phiếu (sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn), điều tra cắt ngang, liên tục.
Người bệnh nội trú có tỷ lệ hài lòng chung là 96,96%, trong đó khối bệnh viện công lập là 94,81%, ngoài công lập là 98,78%.
Tỷ lệ hài lòng so với mong đợi là 93,31% (bệnh viện công lập là 91,31%, ngoài công lập 94,74%).
Tỷ lệ hài lòng toàn diện là 83,05% (bệnh viện công lập 63,31%, ngoài công lập là 94,04%).
Người bệnh ngoại trú có tỷ lệ hài lòng chung là 95,97% (bệnh viện công lập 92,1%, ngoài công lập 98,03%).
Tỷ lệ hài lòng so với mong đợi là 82,42% (bệnh viện công lập 74,46%, ngoài công lập 88,25%).
Tỷ lệ hài lòng toàn diện là 92,59% (bệnh viện công lập 90,12%, ngoài công lập 94,49%).
Mặc dù tỷ lệ hài lòng toàn diện chưa cao ở khối bệnh viện công lập nhưng số người bệnh đồng ý quay trở lại bệnh viện công lập vẫn cao hơn khối bệnh viện ngoài công lập.
Sở Y tế cũng tổng hợp, phân tích kết quả khảo sát người bệnh ngoại trú đến khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 12/30 Trung tâm Y tế quận, huyện.
Điểm trung bình đánh giá hài lòng là 4,36 với nhiều góp ý được bổ sung thêm thuốc, xét nghiệm và các trang thiết bị, thiếu bác sĩ chuyên khoa.
Tỷ lệ hài lòng chung của khối Trung tâm Y tế là 94,23%; tỷ lệ hài lòng toàn diện là 84,54%; tỷ lệ người bệnh hài lòng so với mong đợi là 92,15% và 95,15% người bệnh sẽ quay trở lại.
Trên cơ sở đánh giá về sự hài lòng của người bệnh, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp thu những ý kiến đóng góp của người bệnh, nghiên cứu đưa ra giải pháp khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ tạo sự hài lòng cho người bệnh./.