Hà Nội: Học sinh, phụ huynh căng thẳng trước cuộc đua vào lớp 10 công lập

Nhà trường, học sinh căng thẳng với lịch ôn thi dày đặc trong khi các bậc phụ huynh cũng chạy đôn chạy đáo tìm phương án dự phòng cho con.

Thi vào lớp 10 là cuộc đua căng thẳng của học sinh khối 9 Hà Nội khi tỷ lệ tuyển vào trường công chỉ chiếm 61%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông của Hà Nội sẽ bắt đầu. Trước kỳ thi được đánh giá là căng thẳng hơn tuyển sinh đại học, cả thầy và trò đang nỗ lực hết sức để đạt kết quả thi tốt nhất.

Nhà trường, học sinh “chạy nước rút”

Những ngày này, lịch học của Nguyễn Thùy Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) kín từ sáng đến tối mịt. Ngoài thời gian học cả ngày trên lớp, Linh còn tham gia các lớp học thêm môn Toán và Ngữ văn. Riêng môn Tiếng Anh, Linh còn có gia sư kèm riêng vào buổi tối.

Đặt mục tiêu vào Trường Trung học phổ thông Thăng Long, Linh cho biết em khá lo lắng vì đây là một trong những trường có điểm chuẩn khá cao của Hà Nội và thu hút rất nhiều thí sinh khá, giỏi của khu vực Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.

“Áp lực và lịch học dày nên em khá mệt nhưng phải cố gắng trong giai đoạn nước rút này nếu không muốn bị trượt,” Linh chia sẻ.

Tương tự, thời gian biểu của em Nguyễn Đăng Hà Linh (Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh) cũng dày đặc. Ngoài học ở trường, Linh học thêm bên ngoài đến 9 giờ tối. Em tiếp tục tự học ở nhà đến khoảng 11 giờ và dậy từ 5 giờ sáng hôm sau để ôn bài.

Các nhà trường cũng nỗ lực hết sức để đồng hành cùng học sinh. Thầy Lê Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Victory cho hay kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là mục tiêu số 1 của các trường Trung học cơ sở và học sinh lớp 9. Vì vậy, từ lớp 8, trường phân hoá học sinh theo trình độ để tổ chức học phù hợp với khả năng, khảo sát nguyện vọng của học sinh để xây dựng lộ trình cho lớp 9.

Nhà trường, học sinh nỗ lực chạy nước rút ôn tập trước kỳ thi. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Từ giữa học kỳ 2 của lớp 9, trường dành thời gian để tập trung ôn tập và luyện giải các đề thi cho học sinh. Các giáo viên bộ môn củng cố kiến thức, bồi dưỡng học sinh yếu và phát triển năng lực cho nhóm học sinh khá giỏi. Đặc biệt, các thầy cô còn hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, từ cách trình bày, diễn đạt, chú ý chữ viết để học sinh không bị trừ điểm bởi những sơ xuất không đáng có khi đi thi.

Cũng theo thầy Thành, bên cạnh việc rốt ráo ôn thi, nhà trường vẫn duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để giúp học sinh giảm bớt áp lực học hành.

Phụ huynh tìm phương án dự phòng

Không chỉ học sinh, nhà trường mà phụ huynh cũng vô cùng căng thẳng trước kỳ thi quan trọng này. Chị Phạm Thị Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay xác định mục tiêu cho con thi vào Trường Trung học phổ thông Thăng Long từ khá sớm nên không phải đến lớp 9 mà từ lớp 7, 8, chị đã cho con “tầm sư học đạo” ở các thầy cô giáo giỏi.

“Con có sức học khá tốt nhưng các bạn cũng đi học thêm rất nhiều nên nếu con chỉ học ở trường là chưa đủ sức cạnh tranh. Càng giai đoạn nước rút thì lại càng phải cố gắng hơn. Tôi cũng động viên con và chăm sóc sức khoẻ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khoẻ,” chị Hoài nói.

Tự tin về sức học của con nhưng theo chị Hoài, chị đã tìm hiểu về các trường ngoài công lập và dự kiến sẽ mua hồ sơ Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu để phòng khi con không may trượt trường công lập.

Có con đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, nhưng nỗi lo vào lớp 10 công lập với chị Trần Thúy Hằng (quận Hai Bà Trưng) không vì thế mà giảm đi. “Tập trung quá nhiều cho việc thi học sinh giỏi nên con học lệch, kết quả thi khảo sát môn Văn rất thấp trong khi đây là môn có điểm nhân hệ số 2 nên tôi thực sự không yên tâm,” chị Hằng chia sẻ.

Cũng theo chị Hằng, những ngày này, môn Văn trở thành môn ôn thi chính của con chị, cả ở nhà cũng như trên lớp. “Vốn từ hạn chế, khả năng cảm thụ văn học kém nên bài văn của con thường chỉ loanh quanh vài câu là hết vốn vì bị lặp,” chị Hằng than thở.

Không yên tâm nên chị Hằng đã tính toán phương án dự phòng cho con vào một trường ngoài công lập.

Lo lắng, căng thẳng cũng là tình hình chung của các sỹ tử và phụ huynh khối 9 hiện nay khi theo thống kê, năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp Trung học cơ sở, tăng khoảng 5.000 em so với năm học trước. Thành phố dự kiến tuyển khoảng 81.200 em vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập, khoảng 51.800 em vào các trường Trung học phổ thông tư thục, Trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, tỷ lệ học sinh sẽ trúng tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập chiếm khoảng 61%, tương đương với việc cứ 10 học sinh đi thi sẽ có 4 em bị trượt. Tuy nhiên, do việc tuyển sinh được phân theo 12 khu vực nên trên thực tế, áp lực của các thí sinh ở các khu vực trung tâm hoặc nơi đông dân cư còn lớn hơn rất nhiều, áp lực cạnh tranh càng cao hơn nữa.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thủ đô sẽ diễn ra vào các ngày 8 và 9/6. Thí sinh thi vào trường chuyên và hệ song bằng sẽ thi thêm môn chuyên và ngoại ngữ vào các ngày 10 đến 12/6./.