Hà Nội: Hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân các quận, huyện ven sông
Ngay trong đêm 10/9 và sáng 11/9, nhiều quận, huyện của Hà Nội bị ảnh hưởng bởi nước sông Hồng dâng cao đang quyết liệt vào cuộc để ứng phó.
Do nước lũ dâng cao gây ngập lụt tại nhiều địa phương, Hà Nội đã ban hành Lệnh báo động 2 trên sông Hồng.
Ngay trong đêm 10/9 và sáng 11/9, nhiều quận, huyện bị ảnh hưởng bởi nước sông Hồng dâng cao đang quyết liệt vào cuộc để ứng phó.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Trường Sơn cho biết rạng sáng 11/9, quận đã di dời 836 hộ dân (đạt 100%) tại 4 phường ven đê sông Hồng (Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát).
Các phường ven sông Nhuệ, sông Pheo gồm: Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 1, Đức Thắng, Phúc Diễn, Tây Tựu, Cổ Nhuế 2 có 553 hộ ngoài đê. Đây cũng là số hộ dân cần di dời đến nơi an toàn.
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, quận Bắc Từ Liêm đã lập Sở Chỉ huy tại Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa bàn trọng điểm.
Quận đã phối hợp với 7 đơn vị quân đội với khoảng 900 cán bộ, chiến sỹ, 17 xe ôtô tải, 4 xuồng máy, máy phát điện, phao cứu sinh, nhà bạt ứng trực tại 13 cửa khẩu đê sông Hồng, sẵn sàng xử lý khi có sự cố đê điều.
Quận đã huy động gần 3.000 người là lực lượng tại chỗ ứng trực tại các điếm canh đê và cửa khẩu đê.
Cùng nỗ lực, gồng mình chống lũ như các địa phương khác, huyện Mê Linh đã huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện thực hiện di dời người, hoa màu, vật nuôi tại các khu vực bãi nổi đến nơi an toàn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ gây ra, các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ;" thống kê số lượng gia đình, công trình, tài sản, số người có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng nếu nước lưu vực sông Hồng, sông Cà Lồ lên mức báo động số 3, số 4 hoặc cao hơn để có phương án chuẩn bị địa điểm cho người dân di dời.
Địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại nơi sơ tán, trong trường hợp bị chia cắt.
Hiện, chính quyền huyện Mê Linh đã tổ chức di dời các hộ dân và gia súc, gia cầm ở các lều lán, trang trại ven sông Hồng thuộc xã Văn Khê đến nơi an toàn."
Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia phối hợp, hỗ trợ người dân di dời tài sản, vật nuôi, cây trồng đến nơi an toàn; đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ em, người yếu thế; thực hiện lắp đặt barie trên các tuyến đường bị ngập, không đảm bảo an toàn; cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu; thành lập các chốt, cử lực lượng canh gác, cấm tuyệt đối người dân ra khu vực bãi nổi, bãi bồi ngoài đê sông Hồng và khu vực ven sông Cà Lồ.
Trường hợp cố tình không chấp hành, các lực lượng tiến hành cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh nhấn mạnh.
Huyện Mê Linh yêu cầu Công ty Điện lực Mê Linh duy trì 24/24 giờ, cử cán bộ tham gia ứng trực, phối hợp với huyện và Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn kịp thời xử lý sự cố liên quan đến lưới điện; thực hiện cắt toàn bộ điện tại khu vực vùng bãi sông Hồng; rà soát, cắt điện đối với các địa điểm không đảm bảo an toàn.
Để tập trung ứng phó lũ lớn, nước sông Hồng dâng nhanh, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đang chỉ đạo các phường và các đơn vị liên quan chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó, di dời người dân, tài sản cao hơn 1 mức so với hiện tại, xác định các khu vực nguy hiểm, có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng.
Hiện, quận đã lập danh sách các hộ dân cần di dời và chuẩn bị nơi ở an toàn cho người dân; đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân; phân công lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng khu vực, gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân; thực hiện sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Đồng thời, quận chỉ đạo bố trí kinh phí, huy động xã hội hóa để đảm bảo đầy đủ trang thiết bị vật tư, lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm để phục vụ công tác ứng phó lũ lớn, nước sông Hồng dâng nhanh trên địa bàn quận.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, nơi nào cần di chuyển người dân thì phải di chuyển triệt để cả người và tài sản; chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.
"Quyết tâm với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại cho người dân, sau đó cố gắng bảo vệ an toàn tài sản, an ninh trật tự trên địa bàn," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo.
Trên 15.000 người dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang chịu ảnh hưởng lụt sông Cầu, Cà Lồ
Sáng 11/9, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết tình hình người dân đang chịu ảnh hưởng ngập lụt ngoài bờ bãi sông Cầu, Cà Lồ diễn biến khá phức tạp.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, hiện, huyện có khoảng 3.311 hộ, 15.673 nhân khẩu ảnh hưởng vùng lũ.
Hồi 12 giờ ngày 10/9, lũ sông Cà Lồ tràn, vượt đê bối Xuân Tảo gây ngập khoảng 165ha lúa.
Khoảng 1 giờ 15 phút đến 3 giờ ngày 11/9, lũ sông Cầu tràn, vượt đê bối Đồng Hào đoạn Trung Giã trước, sau đó tràn đoạn Tân Hưng gây sự cố tràn đê bối đoạn Tân Hưng.
Thống kê ban đầu, lũ gây úng ngập khoảng 167,1ha diện tích lúa, hoa màu, thủy sản (lúa 163,lha; thủy sản 4ha), nguy cơ ảnh hưởng 10 hộ dân ở Gò Sảnh, An Lạc, xã Trung Giã. Lực lượng chức năng đang cấp bách ứng phó sự cố.
Ngày 10/9 cũng đã xảy ra sự cố tràn, sạt lở đường ngăn bờ bao Đầm Khoai, xóm Cầu Lai, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, bề rộng khoảng 5-6 m.
Nước trong suối Cầu Lai tràn vào gây úng ngập khoảng 12ha đất canh tác nông nghiệp.
Nguyên nhân sơ bộ do mực nước sông Công rất cao, chênh mực nước lớn dẫn đến chảy tràn qua suối Cầu Lai gây tràn bờ bao, sạt lở đường ngăn bờ bao.
Lực lượng tại chỗ xử lý khoanh vùng ngập, ngăn chặn sự cố, thực hiện biện pháp cấp bách gia cố, đắp ngăn chặn sự cố để bơm tiêu úng.
Huyện đã huy động bộ đội Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã có công điện, trong đó yêu cầu lãnh đạo huyện chia đoàn đi kiểm tra, đánh giá tình hình lũ sông, động viên cán bộ, nhân dân các xã có đê tích cực ứng phó lũ.
Huyện đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thường xuyên nắm thông tin, cập nhật liên tục tình hình, diễn biến ảnh hưởng của lũ sông trên địa bàn; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần ứng phó tình huống, sự cố theo cấp độ rủi ro thiên tai gây ra.
Địa phương sẽ quyết định sơ tán, di chuyển dân, vật nuôi tùy theo tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, nắm tình hình, thông tin, báo cáo việc ứng phó, khắc phục xử lý tình huống, sự cố thuộc phạm vi, trách nhiệm của đơn vị quản lý.
Các xã có đê tăng cường chỉ đạo kiểm tra, ứng phó khi có tình huống, sự cố đê điều, sơ tán dân khi thật sự cần thiết theo quy định.../.