Hà Nội: Giáo viên ngữ văn chia sẻ bí quyết làm tốt bài thi vào lớp 10

Năm nay, Hà Nội tính dung lượng giới hạn bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi lớp 10 bằng chữ thay vì tính câu như mọi năm. Cô Thu Mỹ (Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai) cho hay đây là điểm mới thí sinh cần đặc biệt lưu ý. 

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ kinh nghiệm hàng chục năm dạy và ôn tập môn Ngữ văn cho học sinh cùng việc nghiên cứu, phân tích kỹ đề thi minh họa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cô Ngô Thu Mỹ, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã chỉ ra những điểm thí sinh cần đặc biệt lưu ý để đạt điểm cao trong kỳ thi.

Thay đổi cách tính dung lượng bài làm

Cô Thu Mỹ cho hay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có điều chỉnh quan trọng trong yêu cầu về bài làm môn Ngữ văn mà học sinh cần lưu ý, đó là việc thay đổi cách giới hạn dung lượng bài làm.

Theo cô Mỹ, các năm trước, việc giới hạn dung lượng phần viết ở môn Ngữ văn thường được Hà Nội tính bằng câu. Tuy nhiên, năm nay, giới hạn cho phần viết được tính bằng chữ, đoạn văn là 200 chữ, bài văn là 400 chữ. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý để không viết quá dài sẽ bị trừ điểm, nhất là khi kích thước khổ giấy thi khác với vở viết hay giấy kiểm tra thông thường.

Cô Mỹ cho hay tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai, để học sinh làm quen, ước lượng được dung lượng, trong các kỳ kiểm tra khảo sát, học sinh được yêu cầu làm bài trên giấy thi. Điều này giúp học sinh tính toán, căn được với 200 chữ hay 400 chữ, dung lượng bài viết dài khoảng bao nhiêu dòng trên giấy thi, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp khi làm bài.

Bên cạnh đó, việc làm bài khảo sát trên giấy thi cũng giúp các em làm quen với tâm lý phòng thi.

Cũng theo cô Mỹ, việc chuyển từ giới hạn câu sang giới hạn chữ là một thách thức trong việc ôn luyện cho học sinh vì câu là đơn vị tạo lập văn bản trong khi chữ là đơn vị tạo lập từ. Các năm trước, giáo viên sẽ tuỳ theo từng dạng bài để dạy học sinh khi giải quyết dạng bài đó cần bao nhiêu thao tác, mỗi thao tác quy ra bao nhiêu câu. Năm nay giáo viên phải thêm một công đoạn là áng mỗi câu bao nhiêu chữ trong khi điều này còn phụ thuộc khả năng diễn đạt, sáng tạo của học trò.

“Học sinh khi viết đoạn văn nghị luận văn học cần hết sức cẩn trọng điều này để tránh viết lan man vượt quá dung lượng cho phép trong khi ý chính của bài lại chưa kịp đề cập đến,” cô Mỹ lưu ý.

Cô Thu Mỹ cho hay cô luôn chữa thật kỹ các lỗi trong bài làm để học sinh rút kinh nghiệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ôn theo dạng bài, viết theo tư duy logic

Về kết cấu, đề thi sẽ gồm hai phần đọc hiểu và nghị luận, trong đó phần nghị luận gồm nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Một trong những lợi thế của học sinh thi lớp 10 năm nay là Hà Nội đã quy định rõ phần nghị luận văn học viết đoạn văn, phần nghị luận xã hội viết bài văn.

Cô Mỹ cho hay điểm khác biệt ở môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới là dạy cho học sinh kỹ năng để giải quyết vấn đề đề bài đặt ra thay vì dạy theo tác phẩm. Theo đó, ngữ liệu sử dụng trong đề thi sẽ là ngữ liệu hoàn toàn mới, không nằm trong bất cứ sách giáo khoa nào.

Vì vậy, để làm bài tốt, học sinh cần quy về các dạng bài, mỗi phần có các dạng bài nào, công thức riêng cho từng dạng giống như môn toán, biết cách thức làm bài ra sao, những phạm vi kiến thức nào cần nắm vững.

Cụ thể, với phần đọc hiểu có 5 câu hỏi nhỏ, trong đó có các câu 0,5 điểm và các câu 1 điểm. Các kiến thức cần nắm vững cho phần này như thể loại, các biện pháp tu từ… Với các câu thông hiểu cần phải trả lời thật nhanh, ngắn gọn. Các biện pháp tu từ phải chỉ ra tác dụng trực tiếp và tác dụng ẩn ý, mở rộng.

Cô Mỹ cho hay ở phần này, với câu hỏi liên hệ cuộc sống, học sinh dễ mất điểm vì trả lời quanh co và quên mất yêu cầu chính của đề. “Ví dụ câu hỏi là cần làm gì để gia đình gắn kết hơn, học sinh hay sa đà vào ý nghĩa của việc gắn kết gia đình nhưng quên mất từ khóa ‘làm gì’, nghĩa là phải chỉ ra các hành động, việc làm cụ thể để gắn kết gia đình,” cô Thu Mỹ nói.

Theo đó, cô Mỹ khuyên học sinh nên dành một vài phút để vạch ý cho phần đọc hiểu để tránh sót ý và “rơi” điểm trong quá trình làm bài.

Việc phác thảo mạch bài càng quan trọng hơn với phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Để tiết kiệm thời gian nhất, học sinh nên phác mạch ngay trên đề thi, ghi ra tất cả các ý tưởng để không bị quên.

“Tuy nhiên, học sinh hay vội vã làm bài, bỏ qua bước này. Để rèn cho các em, mỗi khi kiểm tra, tôi sẽ thu lại cả đề bài để biết học sinh đã biết cách phác mạch hay chưa,” cô Thu Mỹ chia sẻ.

Với các bài nghị luận, cô Thu Mỹ lưu ý học sinh cần nắm vững các dạng bài, công thức cho các dạng và viết xúc tích, rõ ý. “Lối viết dài dòng, hoa mỹ, lan man nhưng nhiều khi sáo rỗng, không rõ ý không còn phù hợp. Học sinh cần viết văn và trình bày theo tư duy logic,” cô Mỹ chốt lại./.