Hà Nội giải quyết điểm nóng ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số khu vực nhằm bảo đảm an toàn và giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán 2023.
Chỉ còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán 2023, những ngày này, không khí Tết đã hiện diện trên các phố phường ở Thủ đô với những dãy phố rực rỡ đào, quất và nhiều mặt hàng phục vụ Tết. Trên đường phố, dường như ai cũng vội vã hơn khi ngày Tết đã cận kề.
Đây cũng là thời điểm người dân các địa phương dồn về Thủ đô vì công việc, cung ứng, buôn bán hàng hóa… khiến lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh trên địa bàn Thủ đô, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Nhìn lại kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua tình hình giao thông trên địa bàn Thủ đô không quá căng thẳng. Do thời gian nghỉ Tết Dương lịch ngắn và gần với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên nhu cầu đi lại của người dân không quá lớn.
Vì vậy, trên các tuyến đường, phố chính thuộc địa bàn các quận nội thành Thủ đô, lượng người và phương tiện giao thông ở mức trung bình, khu vực các bến xe khách và tuyến đường lân cận có tăng cao hơn nhưng không xảy ra ùn tắc kéo dài.
Có thời điểm khi lưu lượng giao thông tăng đột biến xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường giao thông cửa ngõ nhưng đã được lực lượng chức năng kịp thời phân luồng, giải tỏa, không để ùn tắc kéo dài.
[Hà Nội tìm giải pháp giảm ùn tắc trên tuyến đường Âu Cơ, Xuân Diệu]
Để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, từ cuối tháng 12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số khu vực nhằm bảo đảm an toàn và giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, từ ngày 30/12/2022 điều chỉnh tổ chức giao thông, cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Tố Hữu đi đường Lương Thế Vinh hướng đi Khuất Duy Tiến; đồng thời, tổ chức cho các phương tiện di chuyển đi thẳng, quay đầu trên đường Tố Hữu trước tòa nhà Tây Hà để đi đường Lương Thế Vinh.
Tại khu vực nút giao Quang Trung-Chu Văn An, từ ngày 4/1/2023 cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Quang Trung (quận Hà Đông) đi đường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông). Tổ chức cho các phương tiện di chuyển đi thẳng, quay đầu trên đường Quang Trung tại nút giao Quang Trung-Lê Lợi, quận Hà Đông.
Tại khu vực cống Trung Văn, từ ngày 30/12/2022 tổ chức cho các phương tiện ô tô đi một chiều trên đường dọc bờ kênh từ nút giao cống Trung Văn-Trung Thư đến đường Cương Kiên theo chiều từ cống Trung Văn đi Cương Kiên. Xe buýt được phép hoạt động.
Ngoài ra, Sở còn tổ chức các phương tiện ô tô đi một chiều trên đường Trung Thư từ nút giao Cương Kiên-Đại Linh-Trung Thư đến cống Trung Văn theo chiều từ cống Cương Kiên đi Trung Văn. Xe buýt được phép hoạt động.
Tại khu vực nút giao Lê Văn Lương-Nguyễn Tuân-Hoàng Minh Giám, từ ngày 4/1/2023 cấm các phương tiện rẽ trái theo 2 hướng từ Hoàng Minh Giám đi Lê Văn Lương và từ đường Nguyễn Tuân đi Lê Văn Lương.
Các phương tiện di chuyển từ đường Hoàng Minh Giám đi đường Láng theo hướng: rẽ phải đi Lê Văn Lương, quay đầu tại nút giao Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến để đi đường Láng.
Các phương tiện di chuyển từ đường Nguyễn Tuân đi Khuất Duy Tiến theo hướng: rẽ phải đi Lê Văn Lương, quay đầu tại nút giao Hoàng Đạo Thúy-Lê Văn Lương để đi Khuất Duy Tiến.
Để phục vụ Chợ hoa Xuân ở khu vực quận Hoàn Kiếm, từ ngày 6- 21/1/2023, Sở Giao thông Vận tải cấm các phương tiện giao thông đi vào các phố như Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Khoai (đoạn từ ngã tư Hàng Giấy đến ngã ba Hàng Khoai-Hàng Lược), Hàng Mã (đoạn từ ngã tư Hàng Cót-Hàng Gà đến ngã tư Hàng Đường-Đồng Xuân) và Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Lê Văn Linh đến Hàng Cót).
Các phương tiện giao thông đi từ phía Đông sang phía Tây thành phố và ngược lại theo các phố gồm Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, Lò Rèn, Hàng Cá, Ngõ Gạch, Hàng Vải, Lãn Ông.
Các phương tiện giao thông đi từ phía Bắc sang phía Nam thành phố và ngược lại theo các đường Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Phùng Hưng (ngắn), Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải.
Xe máy, xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp của các hộ dân trong khu vực cấm đường để phục vụ tổ chức Chợ hoa Xuân được phép đi ra, vào và có vé (tích kê) của ban tổ chức Chợ hoa Xuân để quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực.
Đối với các điểm giao thông tĩnh phục vụ tổ chức Chợ hoa Xuân Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận thực hiện theo quy định hiện hành để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; phải để lại chiều rộng tối thiểu trên hè 1,5 m dành cho người đi bộ.
Từ ngày 26/12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc khu vực nút giao đường Cầu Bươu với đường Phúc La và tuyến đường xung quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức giao thông cho các phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông trên 2 cầu dàn thép mở rộng qua cống Yên Xá; hạn chế chiều cao tĩnh không 2,3m qua cầu dàn thép.
Trong các giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội thì việc chấn chỉnh các công trường thi công ở nội đô cũng là một giải pháp được thực hiện trước Tết Dương lịch nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc trên những tuyến đường trọng điểm.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu thi công đến đâu phải phá rào chắn đến đó, mở đường cho người dân đi lại. Trên đường Nguyễn Xiển, nhà thầu đã thu gọn rào chắn khu vực công trường để giảm ùn tắc giao thông.
Trên dọc tuyến đường Hồ Tùng Mậu-Xuân Thủy-Cầu Giấy nơi thi công của Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, hai nhà thầu Daelim và Posco cũng đã tháo dỡ những điểm rào chắn chưa thi công hoặc thu hẹp phạm vi rào chắn.
Cụ thể, tại đầu đường Cầu Giấy và đường Hồ Tùng Mậu, một đoạn rào chắn đã được bỏ đi, mặt đường trả lại cho người dân đi lại. Tại ngã tư Xuân Thủy-Nguyễn Phong Sắc khu vực công trường được quây hẹp lại, tại điểm trước cửa Đại học Sư Phạm một lối đi sang đường đã được mở.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu dừng cấp phép thi công (đào hè, đường) từ ngày 11/1/2023 (20 tháng chạp Âm lịch) đến ngày 29/1/2023 (mùng 9 Tết); đồng thời kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện hoàn trả vỉa hè, đường, đảm bảo thuận lợi giao thông và vệ sinh môi trường trong dịp Tết.
Cùng với điều chỉnh tổ chức giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thành lập 4 nhóm công tác giúp việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, khảo sát, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xử lý bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Các nhóm này có đầy đủ thành viên của các bộ phận chức năng liên quan thuộc Sở, phân chia phụ trách địa bàn các quận, huyện.
Theo yêu cầu của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các nhóm có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật thông tin phản ánh bất cập về tình hình tổ chức giao thông, trật tự đô thị qua các kênh thông tin (mạng xã hội, các kênh báo chí) để phân tích, đánh giá và kiểm tra, lên phương án đề xuất và triển khai thực hiện; đánh giá hiệu quả các giải pháp và báo cáo kết quả thực hiện.
Ngoài ra, các thành viên thuộc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với đơn vị quản lý bảo trì đường bộ để kiểm tra, rà soát, khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông... để kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; theo dõi, đánh giá hiệu quả các giải pháp đã thực hiện (được hay chưa được, đề xuất giải pháp điều chỉnh...) làm cơ sở báo cáo Trưởng nhóm xem xét trước khi báo cáo lãnh đạo Sở thông qua.
Các thành viên thuộc Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra, rà soát, khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, đánh giá về hạ tầng, biển báo, lưu lượng phương tiện... trên địa bàn được phân công quản lý để kịp thời đề xuất phương án; bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông, kiểm tra xử lý các vi phạm, đặc biệt trên các tuyến đường, điểm ùn tắc giao thông.
Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông là thường trực của tổ công tác, có trách nhiệm tổng hợp thông tin và lập báo cáo hằng tuần, hằng tháng. Trường hợp đột xuất, có sự cố về các điểm ùn tắc, trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn của đất nước và thành phố thì phải thực hiện báo cáo thường xuyên theo quy định.
Ngày 29/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch 344/KH-UBND thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố năm 2023. Kế hoạch đề ra 3 chỉ tiêu chủ yếu và yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn Thủ đô.
Kế hoạch được xây dựng và triển khai nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc; gắn trách nhiệm của giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên toàn địa bàn thành phố và địa bàn từng quận, huyện, thị xã.
Đặc biệt là thực hiện tốt việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng trên địa bàn; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân Quý Mão và các kỳ nghỉ lễ khác trong năm 2023.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại phát sinh thêm điểm ùn tắc mới, một số khu vực, nút giao vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm.
Với phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng nhanh chóng, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông./.