Hà Nội: Đồng loạt kiểm tra 'lỗ hổng' phòng cháy đối với nhà trọ

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6/2024.

Tổ công tác liên ngành liên ngành phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh nhà trọ, chung cư mini. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau vụ cháy nhà dân tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), làm 14 người chết, 6 người bị thương, ngày 24/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công điện gửi Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ trên địa bàn thành phố. Hiện các địa phương đang khẩn trương vào cuộc kiểm tra.

Tăng hậu kiểm phòng cháy, chữa cháy tại nhà trọ

Ủy ban Nhân dân thành phố giao các ngành, quận, huyện thị xã, đặc biệt là Công an thành phố, chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nếu có); đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn đối với người dân đang sinh sống, làm việc tại khu dân cư, nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Ủy ban Nhân dân các phường trên địa bàn quận Cầu Giấy tổ chức rà soát cơ sở nhà trọ đảm bảo tiến độ theo yêu cầu; chủ trì đôn đốc, kiểm tra việc triển khai của các đơn vị; tổng hợp kết quả, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2024.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6/2024, báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 20/6/2024.

Đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao còn lại, các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra hoàn thành trước ngày 15/7/2024, báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 20/7/2024.

Đến thời điểm này, các quận, huyện tại Thủ đô đang tích cực kiểm tra, rà soát nhà trọ trên địa bàn. Ngày 28/5, Ủy ban Nhân dân phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) tổ chức đoàn kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có cho thuê trọ trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trung Hòa, bước đầu kiểm tra, phường nhận thấy có khoảng 600 cơ sở có cho thuê trọ. Trong khi đó, công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn gặp không ít khó khăn do địa phương không có cán bộ chuyên trách. Hơn nữa, nhiều nhà trọ được xây dựng trong con ngõ nhỏ hẹp, khi sự cố cháy nổ xảy ra, xe chữa cháy không tiếp cận được, ảnh hưởng đến việc chữa cháy.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trung Hòa cho biết thêm, qua kiểm tra, hầu như cơ sở phòng trọ đều có lỗi thiếu sót, trong đó có 3 lỗi chủ yếu là trang bị phòng cháy, chữa cháy chưa đầy đủ; phương án ngăn cháy lan giữa nơi để xe và khu vực khác chưa đảm bảo; lỗi thoát hiểm nhiều cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành.

Qua kiểm tra, khi phát hiện thiếu sót, phường đều khuyến cáo, gợi ý chủ cơ sở biện pháp khắc phục. Phường xác định sẽ tổ chức đợt hậu kiểm và xử lý vi phạm. Trường hợp cơ sở cho thuê trọ chưa khắc phục lỗi vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy hướng dẫn, tuyên truyền cách sử dụng thang dây thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ tại cơ sở kinh doanh nhà trọ trên đường Nguyễn Ngọc Vũ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đối với phường Xuân Đỉnh, (quận Bắc Từ Liêm) qua khảo sát cho thấy, đây là một địa bàn khá phức tạp với loại hình nhà cao tầng, thấp tầng, cơ sở kinh doanh, nhà trọ xen kẽ, nhiều nhà trong ngõ sâu, xe chữa cháy khó đi vào, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao.

Để ngăn chặn cháy nổ xảy ra, phường đã lấy ý kiến người dân, tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho một số chủ nhà trọ, hộ gia đình trên địa bàn tổ dân phố Xuân Lộc 1, phường Xuân Đỉnh.

Ông Nguyễn Tự Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Xuân Đỉnh cho biết, bên cạnh việc kiểm tra các cơ sở cho thuê trọ, việc tổ chức tập huấn giúp người dân tiếp nhận nhiều kiến thức, kinh nghiệm và thực hiện kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, từ đó tự mình trở thành những tuyên truyền viên cho các thành viên trong tổ dân phố và chính gia đình mình; tổ chức tốt công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy, nổ xảy ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ.”

Tại huyện Thanh Trì, Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó trưởng Công an huyện cho biết, đây không phải lần đầu tiên huyện tổng kiểm tra, rà soát loại hình nhà trọ, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ. Công an huyện sẽ cùng lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các điều kiện về ngăn cháy lan, lối thoát nạn; bố trí, sắp xếp đồ dùng, vật dụng; đặc biệt kiểm tra hệ thống điện, quản lý, sử dụng điện, sạc xe máy điện, xe đạp điện; trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy, chữa cháy. Việc kiểm tra, phúc tra, đôn đốc, hướng dẫn phải thể hiện bằng biên bản; kiến nghị phải rõ thời hạn thực hiện hoàn thành, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết rõ lộ trình khắc phục lỗi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trang bị kiến thức về phòng cháy và thoát nạn

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, toàn địa bàn Thủ đô có gần 32.000 nhà trọ, “chung cư mini,” đã có 1.200 trường hợp bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Là người trực tiếp chỉ đạo cứu chữa nhiều vụ cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, những vụ cháy gây hậu quả nặng nề đã để lại nhiều trăn trở cho lực lượng chức năng trong việc đưa ra giải pháp, phương pháp chữa cháy hiệu quả, giúp giảm tối đa thiệt hại.

Trong những ngày nắng nóng cao điểm, người dân ở tại các nhà trọ cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý nguồn điện. Bởi lẽ, thường những khu nhà trọ, thậm chí cả “chung cư mini” có hệ thống điện không đảm bảo, nhiều người sử dụng quá tải điện, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cháy nổ. Thực tế, tại Hà Nội có thời điểm tới 90% số vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ điện.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ tại các khu nhà trọ, Công an thành phố đề nghị, người trọ không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng hoặc gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện...; không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện...

Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người thuê trọ cần tắt các thiết bị điện không cần thiết; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng hạn chế và để ở khu vực riêng biệt, tránh nhầm lẫn và đổ vỡ; quản lý chặt chẽ quá trình sạc điện đối với xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.

Lãnh đạo Công an thành phố cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế tại một số khu trọ trên địa bàn, nhiều người ở trọ có thói quen để đồ lộn xộn, không theo một quy định, rất nguy hiểm khi không may xảy ra cháy nổ. Mỗi người ở trọ hãy tạo một thói quen để chìa khóa phòng trọ, căn hộ ở nơi dễ lấy… khi cháy có thể nhanh chóng thoát ra ngoài.

Lực lượng chức năng quận Cầu Giấy tăng cường công tác kiểm tra các nhà trọ trên địa bàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngoài ra, mỗi phòng trọ cần trang bị các bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực), đèn chiếu sáng sự cố, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, thoát nạn khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

Nếu có thể, mỗi hộ gia đình trang bị bổ sung hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt cứu người để tăng cường giải pháp an toàn tại nơi ở. Mỗi người ở trọ, tự xây dựng phương án, tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho mình và người thân để chữa cháy hiệu quả và thoát nạn an toàn. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp.

Công an thành phố lưu ý, khi xảy ra cháy, người dân tuyệt đối không được nấp trong phòng, nhà vệ sinh, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài, tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114, hoặc sử dụng App BAOCHAY 114, hoặc Công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến./.