Hà Nội công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề và làng nghề truyền thống

Trong số 15 làng nghề được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu, có 4 làng là “Làng nghề Hà Nội,” 11 làng là “Làng nghề truyền thống Hà Nội” (tăng 9 làng so với năm 2022).

Sản phẩm của một làng nghề ở Hà Nội. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Ngày 12/4, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã tổ chức Lễ công nhận và trao bằng công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề và làng nghề truyền thống.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho biết năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan triển khai xét công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống Hà Nội.

Kết quả, 15 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, đưa tổng số làng nghề của Hà Nội được công nhận đến nay là 327 làng nghề, làng nghề truyền thống.

Trong đợt công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với các sở liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai.

Đến nay, 15 làng nghề đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu, gồm 4 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội,” 11 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” (tăng 9 làng so với năm 2022).

Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “làng nghề” lên “làng nghề truyền thống."

Đại diện của Làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm trai sơn mài truyền thống tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - đơn vị được công nhận làng nghề truyền thống đợt này - cho biết với danh hiệu cao quý khi được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống Hà Nội, cán bộ và nhân dân các làng nghề xã Chuyên Mỹ rất tự hào, quyết tâm giữ vững và phát huy thế mạnh của làng nghề, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để phát huy những thế mạnh đã đạt được, các nghệ nhân ở xã Chuyên Mỹ kiến nghị với các cấp lãnh đạo thành phố tạo điều kiện thuận lợi để xã phát triển du lịch gắn với làng nghề cũng như hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước.

Sản phẩm của một làng nghề ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Các nhóm nghề bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 70 làng nghề (nhóm 1); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề (nhóm 2); xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề (nhóm 3); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 200 làng nghề (nhóm 4); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 14 làng nghề (nhóm 5); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 05 làng nghề (nhóm 7). Riêng nhóm 6 - sản xuất muối Hà Nội không có làng nghề nào.

Cùng ngày, Chi cục Phát triển Nông thôn và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã phối hợp tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông sản làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Tại triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm của các làng nghề, các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao như làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, các sản phẩm đã chế biến như bánh cuốn Thanh Trì, Giò chả Ước Lễ, rau củ quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, các thực phẩm chức năng như chè dưỡng sinh, táo đỏ, mật ong, cà gai leo, các loại sữa...

Triển lãm trưng bày sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP của các làng nghề Hà Nội là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản sạch đến với người tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sản phẩm; đồng thời để các chủ thể cũng biết đến nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng mà dần cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như thương hiệu của sản phẩm làng nghề.

Anh Nguyễn Văn Ca ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên có sản phẩm được trưng bày giới thiệu tại triển lãm này cho biết việc tổ chức các sự kiện, tuần hàng hay hội chợ trực tiếp, hội chợ online bán hàng trên các trang thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm OCOP trên đa phương diện sẽ rất tốt giúp cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, giúp cho chủ thể có sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội trao bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết nhằm hỗ trợ cho các chủ thể nói riêng và các làng nghề nói chung Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát triển làng nghề và đánh giá phân hạng OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng mong muốn đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục và thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển làng nghề và đánh giá phân hạng OCOP.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn và Ủy ban Nhân dân cấp xã tăng cường rà soát, hướng dẫn, giúp đỡ các làng nghề, chủ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh; bố trí kinh phí hỗ trợ các làng nghề hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định và kinh phí trong bảo tồn, phát triển làng nghề và sản phẩm OCOP tại địa phương./.