Hà Nội: Có giải pháp căn cơ để thực hiện xóa đói, giảm nghèo với từng đối tượng
Kết quả thực hiện Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 0,03%; có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 5 quận không còn hộ cận nghèo.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội (Chương trình số 08-CTr/TU) diễn ra ngày 12/1, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố yêu cầu các huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch dài hạn, có giải pháp căn cơ để thực hiện xóa đói, giảm nghèo với từng đối tượng cụ thể trên địa bàn. Cùng đó, lan tỏa chương trình đến từng địa bàn dân cư để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tác động lan tỏa, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Qua đó khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số quận, huyện ủy chưa quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, nên chỉ tiêu của 1 số địa phương đạt kết quả còn thấp so với bình quân toàn thành phố. Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để tổ chức, triển khai thực hiện chương trình số đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Lưu ý một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2024, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các chỉ tiêu gặp khó khăn, chỉ tiêu đạt thấp. Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các dự án xã hội hóa bệnh viện trong danh mục Nghị quyết số 02/NQ-HĐND.
Với chỉ tiêu quản lý sức khỏe cho người dân, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Đề án 06 của thành phố triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời, nghiên cứu để triển khai khám sức khỏe tổng quát cho nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã thực hiện việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội.
“Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, các sở, ngành, quận, huyện cần quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách tặng quà Tết theo quy định, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui Xuân đón Tết. Các quận, huyện huy động các nguồn lực, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa để quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hộ nghèo,” ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân cho biết với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay đã có 20/27 chỉ tiêu (chiếm 74% tổng số chỉ tiêu) hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt có 5/27 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2023 như: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố cuối năm 2023 còn 0,03%; có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 5 quận không còn hộ cận nghèo. Tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân đến năm 2023 đạt 36,44 giường bệnh/vạn dân (đạt 121,47% mục tiêu (trước khi thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, con số này là 21,1 giường/vạn dân).
Chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân trước khi thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU là 13,5 bác sỹ/vạn dân; đến năm 2023 là 16,6 bác sỹ/vạn dân (đạt 110,67% mục tiêu đến cuối năm 2025)... Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất hiện đạt 89,74%, (vượt kế hoạch với 105,58%). Tỷ lệ giải quyết việc làm mục tiêu đến năm 2025 đạt 160.000 lượt người/năm. Đến năm 2023, thành phố giải quyết việc làm cho 214.258 lao động, đạt 133,9% kế hoạch năm.
Các chỉ tiêu đạt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 như: Tỷ lệ hỏa táng đạt 74,2% (mục tiêu 73-75% vào năm 2025); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tỷ lệ thất nghiệp đặt mục tiêu dưới 3% vào năm 2023, nay còn 2,01%...
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song đến nay vẫn có 2 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện gồm: Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe (không hoàn thành kế hoạch năm 2023), đến hết năm 2023 đạt khoảng 85% - kế hoạch năm 2023 đặt là là trên 94%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường hiện chưa có tiêu chí, hướng dẫn đánh giá.
Ngoài ra, một số trạm y tế cấp xã chưa có bác sỹ (519/579 trạm y tế có bác sỹ là viên chức làm việc; còn 60 trạm y tế chỉ có bác sỹ của Trung tâm y tế tăng cường, luân phiên làm việc tại trạm y tế). Phát triển mạng lưới trường học không bắt kịp tốc độ gia tăng dân số, dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp, quá tải trường học, nhất là tại các quận, khu vực đô thị; tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm.../.