Hà Nội chuyển đổi gần 300ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp
299,91ha đất nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ chuyển sang đất phi nông nghiệp gồm đất trồng lúa 270,81ha; đất trồng cây hàng năm 23,76ha; đất trồng cây lâu năm 3,04ha; đất nuôi trồng thủy sản 2,29ha.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4278/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Phúc Thọ.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chuyển mục đích sử dụng đối với 325,78ha đất. Trong số đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp là 25,87ha.
Còn lại 299,91ha là đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp gồm đất trồng lúa là 270,81ha; đất trồng cây hàng năm khác là 23,76ha; đất trồng cây lâu năm là 3,04ha; đất nuôi trồng thủy sản là 2,29ha.
Trong đợt này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; đồng thời không chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất làm muối và các loại đất nông nghiệp khác.
Như vậy, so với Kế hoạch số 735/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành tháng 3/2023, tổng diện tích đất được chuyển mục đích sử dụng tăng 53,57ha. 100% là đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp.
[Xem xét điều chỉnh danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng]
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ cho biết nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân, Hội đồng Nhân dân huyện Phúc Thọ đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 5/4/2022 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.
Việc tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.
Chính vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường lãnh đạo, chủ đạo gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án của các phòng ban, các xã, thị trấn, ông Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.
Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, ngành nông nghiệp, huyện Phúc Thọ duy trì tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện lên mức 450 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập của người nông dân ngày một tăng, hiện đã đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm./.