Hà Nội: Chung tay phát triển, nâng chất lượng giáo dục trong các nhà trường
Với phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm,” các Phòng GD-ĐT và các trường học đã kết nối, chú trọng phát huy điểm mạnh để giải quyết điểm yếu của nhau.
Qua gần 2 năm triển khai, đến nay, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bước đầu cho thấy hiệu quả chất lượng học tập cũng như những đổi thay về diện mạo của nhiều ngôi trường ở vùng khó khăn.
Đây là phong trào có ý nghĩa lớn, góp phần nâng chất lượng, giảm khoảng cách giữa các trường học ở Hà Nội.
Nâng chất lượng dạy và học
Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 triển khai từ tháng 12/2022 trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm vận động các địa phương, nhà trường, nhà giáo ở nơi có điều kiện thuận lợi hỗ trợ địa phương, nhà trường, nhà giáo và học sinh địa bàn còn khó khăn.
Hưởng ứng phong trào, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường học nhanh chóng vào cuộc, xây dựng kế hoạch kết nối, chú trọng phát huy điểm mạnh để giải quyết điểm yếu của nhau. Mỗi trường đều có điểm mạnh, điểm yếu và qua phong trào này, các trường tham quan, học hỏi, nhân rộng thế mạnh của nhau.
Là một trong những cặp đơn vị đầu tiên hưởng ứng, triển khai phong trào, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân và huyện Hoài Đức ký kết kế hoạch đến năm 2025 với nhiều đầu việc cụ thể, trong đó, mọi nhiệm vụ đều tập trung vào giải pháp khắc phục khó khăn thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để triển khai tốt việc kết hợp này, các trường học ở quận Thanh Xuân chủ động xây dựng kế hoạch với mong muốn học hỏi thêm nhiều mô hình hay của giáo dục huyện Hoài Đức. Đồng thời, mong muốn lĩnh vực giáo dục sẽ là đại sứ, cầu nối mở ra mối quan hệ hợp tác ở nhiều nội dung khác giữa hai đơn vị. Có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được chia sẻ từ hai phía, giúp kéo gần khoảng cách giữa địa bàn nội độ và ngoại thành.
Với thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, sĩ số học sinh trên một lớp của mỗi địa bàn mỗi khác nhau, có sự khác biệt cơ bản, trong đó các trường ở địa bàn huyện ngoại thành gặp nhiều khó khăn hơn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Đoàn Tiến Trung chia sẻ, trước khi xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, 2 Phòng Giáo dục và Đào tạo đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thực trạng, xác định những thuận lợi, khó khăn cơ bản cũng như nhu cầu của mỗi bên.
Từ đó, cùng xác định tập trung vào hoạt động chuyên môn, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, gỡ khó cho giáo viên khi dạy các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ba Vì là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 15% trong tổng số 70.000 học sinh của huyện. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh chia sẻ, có hơn 100 trường trong tổng số 111 trường học của huyện ký kết với các trường học thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Tây Hồ...
Các nội dung hoạt động được cụ thể hóa với sinh hoạt chuyên môn, tập trung tháo gỡ nhiệm vụ khó và mới như giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...
Kéo gần khoảng cách giữa các trường
Không chỉ giúp kết nối giữa ngành Giáo dục các quận, huyện, thị xã và nhà trường, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” còn là giải pháp mới nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi nhà giáo, từng trường học cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách giữa các trường học ở quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.
Tham gia tiết học trực tuyến do một giáo viên dạy giỏi của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) được kết nối tới hơn 200 điểm cầu của các trường học trên địa bàn thành phố, em Bùi Cao Thái Sơn, lớp 11A2, Trường Trung học phổ thông Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết: “Đây là một tiết học đặc biệt, mang lại nhiều điều mới mẻ và hứng khởi với chúng em. Các kiến thức trong sách giáo khoa thì không khác nhau nhưng được học với cô giáo của một trường khác, được lắng nghe cách truyền thụ khác khiến chúng em rất hào hứng. Em mong sẽ có thêm nhiều tiết học như thế này.”
Từ những tiết học trực tuyến được tổ chức trên khắp thành phố, giáo viên ghi chép để lựa chọn và áp dụng tại trường mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) cho biết, giáo viên học được rất nhiều kinh nghiệm hay từ đồng nghiệp ở khắp nơi.
Kinh nghiệm đó giúp giáo viên biết cách truyền đạt nội dung khó để học sinh dễ tiếp thu và nhớ lâu. Các kiến thức về hỗ trợ, phụ đạo học sinh yếu, kém giúp ích rất nhiều cho giáo viên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, thực tế các trường chủ động triển khai nhiều mô hình, sáng kiến hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, để tăng cường tính hiệu quả hơn nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo mong muốn, những hoạt động này thêm lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp, đồng thời nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường khang trang, an toàn.
Ông Trần Thế Cương cho biết thực tế trường ở quận còn khó khăn và trường ở huyện lại có những sáng kiến, mô hình hay để nhân rộng. Có thể kể đến phong trào “Tiếng trống học bài” bắt nguồn từ một trường ở huyện Ba Vì đã được nhân rộng ở nhiều nơi. Trong khi đó, với thế mạnh về việc xã hội hóa, nhiều trường học ở các quận huy động sự góp sức của nhà hảo tâm và chính nhà giáo để nhận nuôi, đỡ đầu hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực huyện.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ, kết nối nhà trường, giáo viên trong thành phố, một số đơn vị ở Hà Nội lan tỏa phong trào tới các tỉnh khác. Năm học 2023-2024, hơn 200 thầy, cô giáo thuộc 122 trường của thành phố Hà Nội hỗ trợ dạy hơn 2.100 tiết học trực tuyến môn Tiếng Anh cho 17 trường học của tỉnh Yên Bái.
Hà Nội còn tạo điều kiện để giáo viên, học sinh lớp 12 của tỉnh Yên Bái sử dụng miễn phí tài khoản ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên ứng dụng Hanoi On.
Sự hỗ trợ của các trường học ở Hà Nội góp phần tạo chuyển biến về kết quả học tập môn Tiếng Anh cấp Trung học cơ sở và kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 của học sinh tỉnh Yên Bái./.