Hà Nội ‘chốt’ thời gian, tàu Nhổn-Ga Hà Nội sẽ sẵn sàng khai thác
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao dài 8,5km đã sẵn sàng được đưa vào khai thác thương mại và các đơn vị vận hành chỉ chờ thành phố Hà Nội chốt thời gian.
Tại buổi trải nghiệm trên chuyến tàu chạy thử từ Nhổn đến ga Cầu Giấy trước khi vận hành khai thác thương mại của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội (Metro Nhổn-Ga Hà Nội) vào sáng 7/8, theo ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), hiện chủ đầu tư và đơn vị vận hành chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào về việc “chốt” thời gian vận hành thương mại đoạn trên cao Metro Nhổn-Ga Hà Nội từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
“Nếu trong chiều 7/8, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu vận hành thương mại từ ngày mai (8/8) thì MRB và các đơn vị liên quan cũng đã sẵn sàng vận hành chạy tàu Nhổn-Ga Hà Nội,” ông Sơn khẳng định.
Để chuẩn bị đưa dự án vào vận hành thương mại, ngoài các thủ tục nghiệm thu, MRB yêu cầu các nhà thầu thi công tiến hành vệ sinh công nghiệp toàn bộ các nhà ga, depot, rà soát toàn bộ hệ thống để đảm bảo tính sẵn sàng của dự án.
Ông Sơn cho biết Metro Nhổn-Ga Hà Nội được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị đoàn tàu, hệ thống điều khiển áp dụng công nghệ tiên tiến và chất lượng tốt, đảm bảo an toàn có đầy đủ tiện nghi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Theo thiết kế, năng lực vận chuyển của tuyến metro này là 23.900 hành khách/giờ. Tính khung giờ khai thác trong ngày (từ 5h30 đến 22h), năng lực chuyên chở hành khách là rất lớn, vận chuyển tối đa trên 500.000 khách/ngày đêm.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm dự án Cát Linh-Hà Đông đã vận hành, vị Phó trưởng Ban MRB nhìn nhận trong giai đoạn đầu, năng lực của tuyến sẽ chưa sử dụng hết do lưu lượng khách thường thấp hơn. Những năm tiếp theo khi xây dựng tuyến kết nối thì năng lực vận chuyển khách sẽ tăng lên và khai thác hết khả năng của tuyến.
“Dự án Metro Nhổn-Ga Hà Nội có chiều dài tuyến 12,5km, hiện đã làm xong 8,5km đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy và sẵn sàng đưa vào thương mại. Riêng 4km đi ngầm đang tiếp tục triển khai thi công, khoan hầm bằng máy đào TBM và đang làm 24/7 ngày. Theo kế hoạch, đoạn hầm này hoàn thành công tác khoan hầm vào tháng 11/2025, sau đó các nhà thầu sẽ lắp đặt thiết bị nhà ga và đường ray trên tuyến hầm, tích hợp hệ thống để đưa toàn bộ đoạn ngầm và trên cao vào năm 2027 theo đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo,” ông Sơn quả quyết.
Đề cập đến công nghệ khác biệt giữa hai tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội và Cát Linh-Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (HMC) cho biết đoàn tàu của 2 tuyến này đều có 4 toa, nhưng sức chứa tàu Cát Linh-Hà Đông là 960 khách bao gồm cả ngồi và đứng, tỷ lệ ghế ngồi chiếm 15%, trong khi đó tàu Nhổn-Ga Hà Nội sức chứa 944 khách, tỷ lệ ghế ngồi có 94 ghế, chiếm 10%.
Ngoài ra, theo ông Trường, tính năng gia tốc và tốc độ tàu Nhổn-Ga Hà Nội lớn hơn Cát Linh-Hà Đông. Tàu Nhổn-Ga Hà Nội có nút chống ngủ gật lái tàu và có camera giám sát nên lái tàu không phải rời vị trí khi tàu đến ga so với tàu Cát Linh-Hà Đông.
HMC dự kiến vận hành 4-6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 10 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.
Ông Trường cho biết thêm dự kiến trong 15 ngày đầu khai thác, hành khách đi tàu sẽ được miễn phí. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000-12.000 đồng./.